Rất khoái với những phiên chợ nổi ở miền sông nước Cửu Long quê nhà, tôi đi chợ nổi ở Thái Lan vì tò mò hơn là hứng thú. Nhất là khi đến khu du lịch balô Khaosan ở Bangkok, tôi thấy các bạn Tây cứ ùn ùn kéo nhau đi, về khen miết. Đi về rồi vẫn thấy những phiên chợ nổi quê mình thật sự thú vị. Nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Chợ nổi dành cho du khách
Bangkok và các tỉnh lân cận nằm bên dòng Chao Praya và các phụ lưu… có địa hình sông nước kênh rạch. Do đó, từ xa xưa trên các bến sông, người Thái cũng có các khu chợ nổi buôn bán các phẩm vật địa phương cho người dân. Nhưng thời gian qua mọi việc đã thay đổi. Kinh tế Thái Lan phát triển, nhiều con đường được xây mới, thuận tiện giao thông, vận chuyển nên các chợ nổi mất dần chức năng chính ngày trước. Đây là điểm mà các chợ nổi trên sông nước Cửu Long còn giữ được, chức năng chính vẫn là chợ đầu mối buôn bán, giao thương giữa bà con với nhau, với thương lái… Và do vậy, những nét mộc mạc của phiên chợ chân quê, với những phẩm vật ngồn ngộn từ sông nước, phù sa Cửu Long là điểm hơn hẳn các phiên chợ nổi đã chuyển sang hình thức du lịch ở Thái Lan.
Khi những chuyến hàng đã chuyển từ ghe lên xe, người Thái nhanh chóng biến chợ nổi thành điểm du lịch mới – chợ nổi dành cho du khách. Việc buôn bán vẫn còn, nhưng chủ yếu là bán cho khách du lịch. Có khi còn tấp nập hơn xưa vì lượng khách nội địa lẫn nước ngoài đổ về ngày càng nhiều. Đông đến mức buổi chiều đó, nhìn khách đón hoàng hôn đứng ken trên những chiếc cầu nhỏ bắc qua các con kênh ở Amphawa làm tôi chen không lọt.
Từ trên bờ đến dưới ghe đều rực rỡ sắc màu ẩm thực Thái. Từ những món thông dụng như pad-thai (hủ tíu xào kiểu Thái), hủ tíu nước, những tô tom-yum-kung óng ánh đỏ sắc ớt, đến những con tôm, mực nướng thơm lựng, những chiếc bánh ngọt làm đẹp đến mức không nỡ ăn, những quầy khô vun đầy các món mắm đặc trưng miền sông nước, những chiếc ghe chở cây trái tuy nhỏ nhưng chất đầy… đều mời gọi du khách. Trời nóng ư, đã có những trái dừa tươi ngọt lạnh. Điệu đàng hơn, có ngay những ly nước chanh, mà ly là những lóng tre xanh, cắm hờ đoá lan tím, làm tay thiếu nữ cầm đưa càng thêm xinh. Cần chút men cho vui, có ngay những chai bia Singha, Chang lạnh ngắt. Rồi ê hề từ những chiếc nón lá đặc trưng của người Thái, những món đồ gỗ be bé, những bông hoa, con thú tết từ lá dừa, những vật dụng nhà bếp làm từ dừa, tre mộc mạc, những chiếc áo xinh xắn với logo “Tôi yêu Amphawa”… đều được khách tíu tít chọn mua, xúng xính khoe nhau. Quả thật khâm phục về khả năng sáng tạo của các bạn!
Đi đò vãn cảnh năm ngôi chùa cổ
Dọc hai bên con đường đến chợ nổi Amphawa có những hình nộm hay hay, là lạ này.
|
Nhưng chỉ vậy cũng chưa đủ để chợ nổi Amphawa cuốn hút du khách đến và ở lại đây nhiều ngày (những ngày cuối tuần khó kiếm phòng trống, dù ở đây có đến vài chục nhà nghỉ homestay, các resort sinh thái đơn sơ). Còn đang thắc mắc vẩn vơ, tôi ghé xuống bến sông, nhảy lên chiếc ghe giới thiệu tour đi ghe giá 50 baht (khoảng 35.000 đồng) với điểm nhấn là một ngôi chùa đẹp lạ. Tôi tưởng đâu chừng nửa tiếng đến một giờ là xong, té ra tour đi hơn ba giờ. Sau một vòng cho khách tham quan chợ nổi, chiếc ghe thẳng tiến ra sông cái, bắt đầu hành trình thăm năm ngôi chùa đẹp trong vùng. Và điểm nhấn chính là ngôi chùa được giới thiệu trên tờ rơi, cũng như trên tấm bảng nhỏ trước cổng ngôi chùa “Unseen in Thailand”. Theo tôi, chỉ riêng việc viếng thăm ngôi chùa này đã quá xứng đáng cho chuyến đi này, chưa nói đến bốn ngôi chùa xưa cổ còn lại!
Ngôi chùa Wat Bang Kung đó, còn gọi là “unseen temple” (tạm dịch: chùa vô hình), xây dựng từ thời vương triều Ayutthaya, hơn 200 năm về trước. Nằm trong thành luỹ, miền đất này bị tàn phá bởi người Miến Điện rơi vào hoang phế trong thời gian dài. Với kiến trúc đặc trưng của thời kỳ Ayutthaya, như những bông hoa phù điêu bằng vôi vữa, dùng mảnh sành sứ tô điểm cho cây lá… ngôi chùa còn đặc biệt hơn vì nó được ôm quanh và phủ kín mít bởi một cây đa cổ thụ. Chỉ mới được TAT (Tổng cục Du lịch Thái Lan) “phát hiện” và giới thiệu gần đây, ngôi chùa “vô hình” Wat Bang Kung này quả đáng đồng tiền bát gạo cho chuyến đi thuyền rong chơi miền sông nước và vãn cảnh chùa giá chỉ khoảng 35.000 đồng/ba giờ đồng hồ này. Ngoài ra, ở đây còn nhiều tour dài ngắn “khác lạ” nữa. Tỷ như một tour đi ngắm phiên chợ quê cuối tuần họp trên đường ray xe lửa, nơi kẻ mua người bán phải dọn hàng nhảy xuống tránh mỗi khi xe lửa ngang qua cũng được giới thiệu là “độc nhất vô nhị”, “chỉ có ở Thái Lan”…
“Ngạc nhiên” ở Amphawa, không chỉ vì “ai đó chèo thuyền trên cột đèn” ở con đường đến chợ mà bởi những dịch vụ sáng tạo của khu chợ nổi trên những kênh rạch chỉ be bé. Rồi tôi nghĩ về những phiên chợ nổi ngày càng vắng du khách nơi quê mình, thấy hơi buồn. Không cần phải rập khuôn những chiếc ghe… hình nộm, nhưng mong sao ngành du lịch quê nhà có chiến lược và công cụ để giới thiệu đến du khách những giá trị “unseen”, mà tôi tin là có rất nhiều, không chỉ ở miền Tây sông nước, mà trên khắp đất Việt tôi mến yêu.
Từ khu du lịch balo KhaoSan, Bangkok bạn đi buýt số 511, 516 đến Saitaimai, bến xe Nam Bangkok, 11 baht. Vé xe đi Amphawa là 70 baht. Cứ 40 phút có một chuyến. Ăn uống ở đây chỉ từ 30 baht/phần. Dịch vụ homestay và resort hơi đắt đỏ vì khách du lịch người Thái nhiều, nhưng cũng từ 300 – 400 baht/phòng trở lên. Có nhiều chùa, bảo tàng quanh Amphawa, có thể đi bộ thăm viếng. Có nhiều tour đi ghe khác nhau. Tỷ giá tháng 3.2012: 1 USD = 30 baht.
|
Bài và ảnh: Trần Thái Hoãn