Lần thứ hai tôi đến với Hạ Long là vào tháng giêng âm lịch. Cái lạnh run người và rét buốt của xứ Bắc làm người con gái Nam có chút thất vọng. Từ Bãi Cháy, chúng tôi lên thuyền, bắt đầu chuyến du ngoạn một ngày đêm trên vịnh.
Hạ Long hiện ra với vô số hòn đảo lớn nhỏ nhô lên từ mặt nước. Nằm ở hướng Tây Nam của vịnh, cách Bãi Cháy khoảng 5 km là hòn Trống Mái và hòn Đỉnh Hương, ra xa hơn nữa là hòn Con Cóc. Có thể bạn sẽ bất ngờ nhưng chỉ cần trèo qua những cửa hang lưng chừng vách núi, bạn sẽ bắt gặp một không gian kỳ vĩ hiện ra gắn liền với các tên gọi như động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung.
Hang Đầu Gỗ, còn gọi là hang Giấu Gỗ nơi ngày xưa vị tướng tài ba Trần Hưng Đạo đã chỉ huy ba quân giấu cọc gỗ lim cùng hàng nghìn quân đánh úp, đốt cháy đoàn thuyền tải lương thực của quân Nguyên Mông. Bàn tay kỳ diệu của tạo hóa cộng với trí tưởng tượng phong phú của con người đã thổi vào những viên đá, hòn đảo, hang động tưởng chừng như vô tri, vô giác những câu chuyện huyền thoại và những tên gọi mỹ miều.
Đêm về, Hạ Long huyền ảo hơn bao giờ hết. Bóng đêm bao trùm lên mặt nước, ánh đèn màu từ những chiếc du thuyền phản chiếu xuống mặt nước tạo thành một bức tranh sinh động nhiều màu sắc. Bạn sẽ khó có thể chìm vào giấc ngủ, trên chiếc giường bên ô cửa có tiếng sóng vỗ rì rào, có ánh trăng vời vời, có ngàn sao lấp lánh. Và rồi, bình minh sẽ đưa bạn vào chốn tiên cảnh với làn sương mù bồng bềnh tràn qua ô cửa, gọi bạn dậy bởi cái lạnh se sắt và những cơn gió thơm nồng mùi biển. Cảnh đẹp đến nao lòng.
Không hổ danh khi hai lần chính thức được UNESCO cộng nhận là di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và năm 2000), Hạ Long luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời. Hạ Long như người con gái dịu dàng ban ngày, tỏa sáng ban đêm. Lung linh mùa hạ, dữ dội mùa đông. Bất kể thời khắc trong ngày hay trong năm, người con gái ấy cũng đều mang trong mình một vẻ đẹp khó cưỡng. Phải chăng chính vì vẻ đẹp vĩnh cửu theo thời gian đó mà cách đây hơn 5 thế kỷ, Nguyễn Trãi đã miêu tả về Hạ Long như là một "kỳ quan đá dựng giữa trời cao".
|
Động Thiên Cung. |
Nếu như ngày xưa, Hạ Long được biết đến với truyền thuyết Rồng Mẹ và Rồng Con thì ngày nay, qua bao thế kỷ, giữa sông nước Hạ Long, những người con rồng cháu tiên vẫn ngày đêm vật lộn, mưu sinh giữa sóng nước. Một làng chài đã được mọc lên. Đó là những ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước, người dân sinh sống chủ yếu bằng chăn nuôi thủy sản. cho thuê thuyền kayak…
Hay câu chuyện về những bác lái tàu, thủy thủ kiêm luôn nấu ăn, phục vụ trên du thuyền nói giọng địa phương đặc sệt nhưng khi gặp khách nước ngoài vẫn thoăn thoắt vài ba câu tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Hàn rất chuyên nghiệp.
Lần đó, tôi có quen một cô bạn người Đức, lần đầu tiên đến với Hạ Long. Mãi sau này, khi về nước, cô mới email phàn nàn với tôi rằng: “Hạ Long của bạn đẹp, nhưng tôi không thích cách những người bán hàng chèo kéo khách du lịch’’. Tôi chỉ biết biện hộ rằng: “Có thể khi bạn phải nuôi sống cả gia đình chỉ bằng nguồn thu từ việc bán những hàng hóa trên thuyền thì bạn mới có thể hiểu họ”. Dù tôi đã trả lời bạn, nhưng những lời phàn nàn của bạn vẫn làm tôi suy nghĩ mãi. Phải chăng, Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung cần nhiều cải tiến hơn nữa về cách làm du lịch. Nhưng đó lại là một câu chuyện dài khác.
Hạ Long nơi núi liền biển, nơi đất trời giao thoa là sự kết hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên kỳ vĩ và di tích lịch sử văn hóa. Không dễ để miêu tả Hạ Long chỉ trong vài ba câu chữ, bạn phải tới đây, ngồi trên boong thuyền du ngoạn giữa bốn bề non nước, ngắm nhìn những cuộc mưu sinh vất vả thì bạn mới có thể cảm nhận hết được.
Mong sao, vài năm nữa trở lại, Hạ Long vẫn còn giữ đủ vẻ hoang sơ để cho tôi cảm giác thân thuộc của lần đầu tiên biết đến. Hạ long vẫn sống, là sự sống theo chiều dài lịch sử, dưới sự khắc nghiệt của thời gian, là sự sống của những con người lao động cực khổ kiếm sống giữa lòng di sản. Hạ Long trường tồn giữa những con sóng trắng, tự hào là một phần tươi đẹp của vùng biển Đông Việt Nam.
Nguyễn Thái Trúc Vy