Những điểm đến của mọi du khách tại châu Âu, Bắc Phi, châu Mỹ hay các thành phố lớn của Úc đều có chung một điểm hấp dẫn, đó là những tuyến du lịch đường sông. Không gì thú vị bằng ngắm thành phố mình ưa thích khi đang lướt trên sóng nước.
Góc nhìn từ dưới sông
Hàng đoàn du khách nước ngoài thăm Paris (Pháp) mỗi ngày trên những con tàu thích thú nhìn các công trình kiến trúc ấn tượng sừng sững trôi qua đầu, các cặp đôi nhất loạt hôn nhau khi tàu chạy dưới gầm cầu Pont Neuf theo âm hưởng bộ phim lãng mạn Mối tình trên cầu Pont Neuf do Juliette Binoche đóng vai chính, mong có cái kết hạnh phúc cho cuộc tình mình. Giá vé tàu tuy không rẻ, trung bình 15 euro/giờ/người, nhưng các cuộc tham quan thành phố sẽ không hoàn hảo nếu thiếu một chuyến du ngoạn trên sông...
Amsterdam (Hà Lan) cũng cho bạn cảm xúc phấn khích khi đi thuyền lòng vòng giữa các tuyến kênh rạch. Berlin (Đức) trầm tư bên dòng Spree. Prague (CH Czech) duyên dáng với cả trăm cây cầu qua sông Vltava. Thành Vienna (Áo) và thủ đô Budapest (Hungary) thơ mộng với dòng Danube, Porto (Bồ Đào Nha) tráng lệ giữa hai bờ sông Duoro. Seoul (Hàn Quốc) ấn tượng với những cây cầu trên sông Hàn. Còn Melbourne và Brisbane trên đất Úc lại khiến người ta choáng ngợp giữa các khối nhà cao tầng nơi quận trung tâm tài chính - kinh tế.
Du lịch đường sông đa quốc gia
Không chỉ chú trọng gói gọn tham quan bằng đường sông ở các thành phố lớn, nhiều nước còn đẩy mạnh loại hình du lịch này thành mũi nhọn kinh tế dịch vụ nối liền các quốc gia liền kề, liên kết các thành phố tiêu điểm du lịch. Có thể kể tuyến sông Danube nối Passau (Đức) - Vienna (Áo) - Bratislava - Budapest (Hungary), sông Elbe thăm một loạt lâu đài, cung điện trên đất Đức và CH Czech, sông Rhine từ Basel (Thụy Sĩ) - Strasbourg (Pháp) - Koblenz - Köln (Đức) - Amsterdam (Hà Lan), tuyến đường sông và kênh đào nối Hà Lan và Bỉ... Ở châu Á thì nổi danh với du lịch sông Mekong giữa các nước Myanmar, Lào, Campuchia và VN... Và đã đến Bắc Phi thì không du khách nào muốn bỏ lỡ dịp du ngoạn dọc sông Nile từ thành phố đền vĩ đại Luxor tới Aswan điểm cực nam của Ai Cập.
Lượng du khách chọn loại hình du lịch đường sông mỗi năm tăng đều, thêm hàng triệu lượt khách trên toàn thế giới. Các nhà điều hành du lịch có tiếng phối hợp chặt chẽ với các hãng tàu du lịch lớn đưa ra những gói tour từ một tuần đến cả tháng, nhiều loại giá để thu hút đa dạng khách và gặt được những nguồn thu khổng lồ.
So với đường bộ thường xuyên kẹt xe và nhiều tai nạn giao thông, đường sắt giá cao và kém tiện nghi, giá tour trọn gói trên những con tàu lớn như các khách sạn nổi từ hơn mười cabin ngủ đến hàng trăm phòng cho khách, có cả bể bơi, phòng đọc sách, sàn khiêu vũ, phòng ăn lớn... đi dọc theo những con sông đẹp, cảnh quan êm đềm, dừng tại các điểm tham quan chính vài tiếng sẽ hấp dẫn gấp nhiều lần. Mọi đối tượng khách từ người trẻ hưởng trăng mật, nhóm thanh niên nghỉ hè, gia đình nhiều thế hệ quây quần, những người già yếu... đều thấy được điểm phù hợp của tàu du lịch đường sông dành cho mình.
Trên những dòng sông Việt Nam
Việt Nam có rất nhiều sông chảy qua các thành phố nổi tiếng, nhưng có vẻ chúng ta chưa chú trọng khai thác thế mạnh này. Ngoài hoạt động du lịch kênh rạch, thăm chợ nổi, cù lao trên sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long rất thành công, thì chỉ ít nơi duy trì dịch vụ đi thuyền trên sông như thăm lăng tẩm ở Huế, sông Son (Phong Nha, Quảng Bình), hang động núi non ở Ninh Bình, suối Yến chùa Hương (Hà Nội)...
Nhưng nếu trước kia các tàu du lịch nhộn nhịp trên sông Sài Gòn, buổi tối đèn hoa rực rỡ, âm nhạc réo rắt thì giờ mấy ai còn muốn ăn tối hóng gió trên các con tàu đã xuống cấp xập xệ? Tàu du lịch sông Hồng đìu hiu vắng khách vì không quảng bá rộng rãi. Nhiều người cũng lắc đầu khi được hỏi tối có muốn nghe ca Huế trên thuyền sông Hương vì chất lượng dưới mức bình dân, ca sĩ nhạc công mặt buồn rười rượi hát cho xong khoán. Dòng sông Chảy ở thị xã Bắc Hà (Lào Cai) với nhiều khúc quanh đẹp đẽ, cảnh vật hai bên hùng vĩ nhưng dịch vụ cho khách thuê thuyền không sẵn, phải nhờ dân địa phương đặt trước. Còn sông Thu Bồn, sông Hàn, sông Đà, sông Lô, sông Mã... và bao con sông trên đất Việt, mỗi sông đều có nét quyến rũ rất riêng nhưng chưa có được “tình thương mến thương” của ngành du lịch và giao thông.
Sông vẫn chảy ra biển, ngành du lịch nước nhà vẫn thất thu một khoản lớn từ những chuyến du lịch đường sông và du khách chưa có đủ loại hình dịch vụ để lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Mới đây, Công ty TNHH MTV Đại Dương Phẳng đã hạ thủy hai con tàu du lịch hạng sang chạy tuyến Việt Nam - Campuchia trên sông Mekong và ngược lại. Một tín hiệu vui, nhưng có lẽ hơn lúc nào hết, đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam phải nhập vào dòng chảy du lịch đường sông đang phổ biến toàn cầu.
MINH LÝ - DU NHÂN