Nếu như người Thái gửi gắm sự duyên dáng của thiếu nữ vào chiếc khăn piêu, sự khéo léo vào mâm xôi ngũ sắc, thì tình yêu thương cuộc sống, con người cùng ước mơ khát vọng lại được gửi trong từng nhịp trống, điệu xoè. Điệu xòe của người Thái có mặt ở nhiều vùng trong cả nước, nhưng nói tới cái nôi của 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn 30 điệu xòe nổi tiếng phải nhắc tới Mường Lò.
Điệu xòe vòng
Xòe vòng hay xé vòng là một trong những điệu xòe cổ lâu đời, có sức hút mãnh liệt không chỉ với nguời dân địa phương mà với cả du khách trong và ngoài nuớc. Điệu xòe vòng không phân biệt già trẻ, gái trai khi cùng nhau nắm tay bước vũ quanh ánh lửa. Nhạc cụ chủ đạo phục vụ múa xòe là công và cống. Công là loại trống dài từ 1,5 m đến 3 m, đường kính 5-7 cm, hai đầu bịt da trâu, bò. Cống là loại trống dài khoảng 1 m, đường kính khoảng 45 cm làm bằng thân cây gỗ đục rỗng, hai đầu bọc da trâu hoặc da bò.
Tiếng công, tiếng cống trong, gọn, vang xa hòa trong tiếng chiêng rộn ràng như giục giã, lôi cuốn người xem hào hứng nhập cuộc vui. Chỉ vài ba bước nhún nhảy giản đơn, bạn hoàn toàn có thể nhập vòng xòe tạo nên một không khí đông vui, nhộn nhịp. Bởi thế mà vòng xòe lúc đầu chỉ có vài ba người khởi xướng sau không ngừng mở rộng theo tiếng nhạc vang dồn.
|
Từ điệu xòe vòng phát triển dần ra các điệu xòe khác. Ảnh: svhttdldienbien
|
Điệu vòng tròn vỗ tay
Xòe vòng tròn vỗ tay còn có tên gọi khác là xé ỏm lọm tốp mứ. Cũng bước vũ theo vòng tròn như xòe vòng nhưng thay vì nắm tay nhau. thì những người tham gia điệu này vỗ tay lúc bên phải, lúc bên trái tạo nên không khí vui tươi. Hơn nữa, sự linh hoạt trong bước vũ khi di chuyển theo vòng tròn từ trái qua phải rồi ngược lại, nhảy co từng chân cùng nhịp vỗ tay theo tiếng trống khiến điệu xé ỏm lọm tốp mứ trở nên rộn rã. Do vậy xòe vòng tròn vỗ tay luôn được người Thái tổ chức sau mùa vụ bội thu, săn bắt thú rừng, mừng nhà mới, hay đám cưới, hội xuân.
Điệu tung khăn
Điệu xòe tung khăn còn được gọi là điệu nhôm khăn. Có tên gọi như vậy bởi chiếc khăn gần như trở thành linh hồn của điệu múa. Người xòe quàng cổ khăn thổ cẩm sặc sỡ, hai tay cầm hai đầu khăn piêu tung lên phấp phới theo từng nhịp chân tạo nên vòng tròn đẹp mắt.
Vòng xòe tung khăn tiến lùi theo nhịp trống, dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ. Vì thế khi nhìn từ bên ngoài, vòng xòe như bông hoa bừng nở, rực rỡ sắc màu. Nhôm khăn được coi là điệu xòe sôi động nhất, diễn tả sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu. Đồng thời chiếc khăn thổ cẩm trong điệu xòe này cũng là sự thể hiện thành quả lao động đầy tinh tế.
Điệu bổ bốn
Khác với các điệu xòe trên, trong điệu xòe bổ bốn hay phá xí, người xòe xếp thành hai hàng từ hai bên, quay mặt vào nhau, tay trong tay tiến vào tạo thành vòng tròn, từ vòng tròn trung tâm tỏa ra thành bốn vòng tròn nhỏ xung quanh như bông hoa ban năm cánh, vừa có ngụ ý dù đi bốn phương trời nhưng vẫn luôn hướng về nhau, về nguồn cội.
Các vòng tròn nhỏ không cố định mà biến thể lúc thành hình vuông, lúc thành hình thoi, hình bình hành. Người xòe vì thế vừa biến đổi tạo hình vừa nhún bước theo nhịp trống, tay đan tay cùng trong bước tiến. Xòe bổ bốn không chỉ diễn tả tình đoàn kết gắn bó keo sơn mà còn mang bóng dáng quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương ngũ hành một cách tinh tế và sâu sắc.
|
Xòe góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh tâm hồn những người Thái Tây Bắc. Ảnh: gdtd
|
Điệu tiến lùi
Ngay từ tên gọi, ta đã có thể hình dung được phần nào các bước vũ trong điệu tiến lùi hay còn gọi là đổn hôn. Trong điệu này, người xòe từ hai bên bước lên xen kẽ nhau tạo thành vòng tròn, tiến lên rồi lùi lại so le chéo nhau dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ, hai tay xòe ngang thắt lưng.
Những bước xòe đan xen nhịp nhàng trong điệu đổn hôn như lời khẳng định dù trời đất đổi dời nhưng tình người vẫn vẹn nguyên, cuộc sống có lúc nghiêng ngả nhưng lòng người thì không đổi thay.
Điệu nâng khăn mời rượu
Trong điệu xòe nâng khăn mời rượu hay khắm khăn mơi lảu, bên cạnh nét dịu dàng, uyển chuyển trong từng bước nhún, nhịp đi là lời mời rượu chân tình của những cô gái Thái. Nụ cười duyên dáng cùng bàn tay mềm mại khi nâng chiếc khăn mời chén rượu nồng làm đắm say biết bao lữ khách phương xa, để rồi chẳng thể nào quên khi được một lần tham gia điệu múa.
Nếu muốn một lần tham gia hay tận mắt chiêm ngưỡng những điệu xòe Thái cổ, hãy đến với Mường Lò, Nghĩa Lộ vào những ngày cuối tháng 9, bởi đây chính là nơi diễn ra màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam.
Kim Anh