Các cụ xưa có câu, “trông mặt mà bắt hình dong”, nếu cứ nhìn vẻ ngoài của chị Thanh, quả thật đúng với khí chất người cầm tinh tuổi Dần – mạnh mẽ, quyết đoán, đeo đuổi đến cùng với chủ kiến và có đôi phần ưa mạo hiểm. Nhưng khi bước vào phòng làm việc của chị, nhìn không gian mở ra mênh mông qua hai mảng tường kính, rồi cách bài trí trong phòng, không khó để nhận ra, chủ nhân là một người phụ nữ có phần mơ mộng và nhạy cảm. Những cây đèn được đặt đối xứng, và mỗi chân đèn lại treo một vế đối, hay một bài thơ chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình người…
3 lần sóng gió, 3 lần lựa chọn
- Hai vế thơ tương phản “vỡ đổ” và “nguyên lành” là một sự lựa chọn tình cờ hay có gắn với một dấu ấn nào đó trong cuộc đời, thưa chị?
Tôi đã trải nghiệm và thấm thía hai câu thơ này vào đúng giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời làm nghề của mình. Đó là năm 2006, 8 năm trên cương vị lãnh đạo của Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO), tôi phải chứng kiến những hy vọng phát triển, chuyển đổi cơ chế của công ty đứng trước nguy cơ không thành. Tới bây giờ nhìn lại, tôi vẫn cảm nhận được năm 2006 là năm tôi rơi xuống điểm đáy về niềm tin vào sự phát triển VACO.
Nếu bạn quan tâm sẽ thấy, sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, đã bùng nổ sự ra đời của hàng loạt các công ty kiểm toán, cùng với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam tạo nên những xáo trộn mạnh trên thị trường, từ nguồn nhân lực đến chất lượng dịch vụ kiểm toán và tư vấn. VACO lúc đó là một DNNN nên bị hạn chế trong cơ chế tiền lương, buộc phải chấp nhận thực tế “chảy máu chất xám”. Thời đó VACO đã được ví là “lò” đào tạo các Giám đốc, các Tổng giám đốc cho các công ty kiểm toán mới thành lập …
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết của mình đối với tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một trong những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ tài chính mà Việt Nam cần phải thực hiện đối với ngành kiểm toán là tính độc lập của các công ty kiểm toán (không có vốn sở hữu của nhà nước). Như vậy, VACO cũng không nằm ngoài yêu cầu chuyển đổi để đáp ứng thực tế này. Quá trình chuyển đổi của VACO đã được chuẩn bị từ năm 2002 (Ngay sau khi Hiệp đinh thương mại Việt Mỹ có hiệu lực), nhưng đến cuối năm 2006 vẫn chưa xong, có lúc tưởng như ngưng trệ vì đề án chuyển đổi không được phê duyệt. Cũng vì sự không độc lập về sở hữu mà VACO khi ấy đã bị loại khỏi danh sách đấu thầu kiểm toán các dự án lớn do WB và ADB tài trợ. Tôi đứng giữa vòng xoáy của sức ép và lựa chọn.
- Đã là lựa chọn, hẳn phải có sự được mất, đó là gì vậy, thưa chị?
VACO đã hợp tác với Hãng Deloitte Quốc tế từ năm 1992 và trở thành thành viên của Deloitte từ năm 1997. Trong thời gian hợp tác, liên doanh với Deloitte Quốc tế, cả Deloitte và chúng tôi đều nhận thấy rất rõ sự hạn chế về tương lai phát triển của VACO nếu không chuyển đổi sở hữu. VACO Deloitte đã bị bỏ lỡ nhiều cơ hội, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Đến năm 2006, khi quá trình chuyển đổi của VACO bị ngưng trệ, tôi đã nhận được đề nghị cân nhắc tới một đề án khác, đó là Deloitte sẽ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, và một bộ phận nhân sự chủ chốt của VACO chuyển sang Deloitte mới này để làm việc. Tôi với tư cách người đứng đầu công ty Deloitte mới sẽ có mức lương cao cùng với nhiều chế độ đãi ngộ khác… Đối với bản thân tôi và tập thể ban lãnh đạo VACO lúc đó, đây là một lời đề nghị chân thành vì sự phát triển của Deloitte tại thị trường Việt Nam. Deloitte cũng đã chứng kiến việc chuyển đổi VACO có quá nhiều khó khăn và mất quá nhiều thời gian mà kết quả chưa thấy đâu, trong khi vòng xoáy của thị trường liên tục tạo ra những sức ép vô hình lên toàn thể ban lãnh đạo chúng tôi. Nhưng rút cục, tôi đã lựa chọn, một mặt thuyết phục Deloitte, một mặt vận động và thúc đẩy để hồ sơ chuyển đổi của VACO được xem xét và thông qua. Công ty đã ra nghị quyết, tất cả ban lãnh đạo tạo thành một khối thống nhất, không chia tách sang Deloitte, chung sức và bền trí để thuyết phục Bộ Tài chính chuyển đổi mô hình công ty theo như cam kết hội nhập.
Sau rất nhiều thách thức và nỗ lực, tháng 3/2007, VACO đã trở thành DNNN đầu tiên thực hiện chuyển đổi sang mô hình Cty TNHH nhiều thành viên không có sở hữu Nhà nước. Đồng thời, trở thành thành viên đầy đủ của Deloitte toàn cầu và Deloitte Đông Nam Á, trở thành Deloitte Vietnam. Sau tất cả những gian khó, hy sinh, thậm chí tổn thương, trải nghiệm sự “nguyên lành” mới thấy thật thấm thía.
- Điều gì khiến cho dù ở thời điểm “đáy”, chị vẫn ở lại cùng VACO?
Tốt nghiệp đại học từ năm 1983, tôi về công tác tại Bộ Tài chính với chuyên ngành kế toán và kiểm toán. Tôi cũng là một trong những số ít người có vinh hạnh được tham gia xây dựng Công ty kiểm toán Việt Nam VACO – công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam từ những ngày đầu tiên vào năm 1991. Ở tuổi 32 (khi chưa là Đảng viên), tôi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VACO, đó là chuyện bổ nhiệm cán bộ hiếm hoi của Bộ Tài chính vào những năm đầu 1990. Bộ đã xem xét việc bổ nhiệm này xuất phát từ yêu cầu công việc và năng lực của cá nhân tôi. Rồi 4 năm sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty. Thực ra, lịch sử thành lập và phát triển của VACO chính là lịch sử thu nhỏ của ngành kiểm toán Việt Nam mà liên doanh/hợp tác với Delloite như bước thử nghiệm đầu tiên. Đến thời điểm này, qua 5 nhiệm kỳ của người đứng đầu Delloite toàn cầu, tôi vẫn là nữ tổng giám đốc duy nhất trong hệ thống 142 công ty thành viên của Delloite trên toàn cầu. Điểm qua những mốc chính như vậy để bạn có thể hiểu sơ bộ vì sao tôi gắn bó sâu nặng và lâu dài đến thế cùng VACO và sau này là Delloite.
- 9 năm từ một cô sinh viên trở thành người phụ nữ đứng đầu một công ty kiểm toán có vị trí, chèo lái đến bây giờ, chị có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình trong quá trình làm nghề?
Cuộc đời tôi có 3 lần sóng gió trước những quyết định lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đời. Lần thứ nhất, vào năm 1996, sau khi đi học tập và làm việc ở Mỹ trở về. Tôi là người Việt Nam đầu tiên được đi du học ở Mỹ về kiểm toán vào tháng 4/1995. Lúc đó, Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Vừa trở về nước và đối diện với thực tế - nếu tiếp tục làm việc tại VACO thì chỉ được nhận mức lương theo cơ chế của nhà nước, giải quyết bao nhiêu khó khăn về hoạt động không hiệu quả của Liên Doanh VACODeloitte. Trong khi đó, một công ty kiểm toán nước ngoài khác đã mời tôi về làm việc với mức lương 5.000 USD/tháng và nhiều đãi ngộ khác. Quả thật, tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều, rồi đi đến quyết định, ở lại. Điều làm tôi vui nhất là đã cùng đội ngũ lãnh đạo của mình chuyển Liên Doanh VACODeloitte từ giai đoạn lỗ tới thời kỳ kinh doanh hiệu quả, đưa cả VACO trở thành thành viên của Deloitte cùng với việc duy trì thương hiệu VACO và Deloitte mạnh mẽ trên thị trường.
Lần thứ hai, chính là giai đoạn 2006, lúc khó khăn nhất, tôi từng cảm thấy mệt mỏi, mất ý chí chiến đấu, mất niềm tin… Tôi đã từng muốn rũ bỏ những gánh lo ấy để chuyển nghề sang làm ở một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước… Thế nhưng, tôi đã không thể từ bỏ những người đã cùng gắn bó với tôi trong suốt những năm khó khăn để ra đi khi mọi việc còn dang dở. Tôi vẫn là mình, lại quyết định, ở lại, theo đuổi đến cùng mục tiêu đã lựa chọn. Tôi có cảm giác như càng khó khăn tôi càng không thể từ bỏ.
Lần thứ ba, tháng 3/2007, VACO có giấy phép chuyển đổi sở hữu Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp tư nhân với tên gọi Delloite Vietnam. Đây là trường hợp ngoại lệ đầu tiên và đến giờ vẫn là duy nhất. Sau khi chuyển đổi, Deloitte Vietnam đã có những bước phát triển rất nhanh và hiệu quả, nhưng với cá nhân tôi lại trải qua cơn “sóng gió” của chính mình. Sâu thẳm, tôi mừng vì công ty đã chuyển đổi thành công, nhưng tôi thì đứng trước hai sự lựa chọn - trở về bộ Tài chính để tiếp tục quá trình công tác 24 năm là cán bộ của Bộ, và có thể có một tương lai được quy hoạch là cán bộ cấp cao hay chuyển hẳn sang làm doanh nghiệp. 24 năm công tác dưới chức danh Cán bộ nhà nước, cán bộ của Bộ Tài chính có dễ gì từ bỏ? Phải mất đến 6 tháng để quyết định, tôi ở lại. Quả thật không dễ vượt qua cảm giác này…
- Là một người có nhiều cơ hội lựa chọn con đường sự nghiệp cho mình, điều gì khiến chị lựa chọn con đường doanh nhân?
Trước sự lựa chọn về sự nghiệp của mình, tôi tự trả lời 3 câu hỏi: làm gì, làm với ai và lợi ích là gì để tìm ra đáp án. Lựa chọn làm doanh nghiệp, tôi biết, mình được làm một nghề đã quá gắn bó và đủ tự tin; tôi sẽ sát cánh cùng với hơn 300 con người của VACO lúc đó là những người đã từng gắn bó sẻ chia, được làm việc với các đối tác truyền thống và mới mẻ. Lợi ích chính là tôi thấy được giá trị của mình trong những công việc đang làm với những người mình đã biết thay vì phải đi tìm những giá trị khác. Quan trọng không kém, tôi được mọi người tôn trọng, tin cậy và chia sẻ. Thật ra, làm doanh nhân giỏi cũng là yêu nước, nên tôi đã lựa chọn và quyết định.
- Một nghề vốn dĩ khô khan như kiểm toán có thể hấp dẫn chị ở điểm gì?
Tôi gắn bó với nghề trước hết vì tôi đã tham gia từ những ngày đầu để xây dựng được ngành nghề kiểm toán ở Việt Nam. Thứ hai nữa, tôi có cơ hội tham gia vào các chặng đường của VACO, từ khi là DNNN, đến khi liên doanh với Deloitte, chuyển đổi mô hình quản trị, chuyển đổi hình thức sở hữu vốn… Liên doanh với Deloitte là bước thử nghiệm đầu tiên, tôi đã có cơ hội để nghiền ngẫm và ứng dụng những kiến thức thu được trong quá trình du học ở các nước cũng như công tác của mình để có thể đưa ra những quyết sách cho các bước phát triển tiếp theo của công ty. Tôi đã không chỉ học về nghề, học quản lý nghề mà còn học về con người kiểm toán
“Vì gió ngược chiều mà diều bay cao”
Trong phòng của chị Hà Thị Thu Thanh còn có một bức tranh phong cảnh. Chị nói, mỗi khi phải đứng trước một sự lựa chọn hay mỗi khi lòng mệt nhọc, chị thường thả mình, ngắm bức tranh. Đây không phải bức tranh bình thường mà gắn với nó là một câu chuyện, là một lát cắt khó khăn nhất trong cuộc đời của chị.
Sau những gian khó, hy sinh, thậm chí tổn thương, trải nghiệm sự “nguyên lành” mới thật thấm thía
|
Trong một chiều tháng 10 năm 2006, đúng ngày sinh nhật, tâm trạng nặng nề vì những thất vọng trong công việc, vì những tổn thương do những đơn thư nặc danh được gửi ra nhằm làm thất bại quá trình chuyển đổi của VACO, chị đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Cơ duyên khiến chị gặp một người họa sỹ già, để rồi ông có thể chia sẻ cùng chị những suy tưởng và tạo nên tác phẩm mà chị luôn trân trọng.
Bức tranh kể về một cô gái Hà Thị Thu Thanh bé nhỏ ngày nào chạy trên đường đê Yên Phụ ào ạt gió đến trường. Con đường nằm giữa một bên là dòng sông Hồng ngầu đỏ, một bên là hàng cây cơm nguội đầy kỷ niệm. Có cảm giác như cô bé đang đứng trước những sự lựa chọn. Dòng sông Hồng, chính là dòng đời vẫn cuộn chảy, vẫn chở nặng phù sa, bất biết dù mình vui hay buồn. Con đê là tuổi thơ luôn theo đuổi cũng là ý chí của con người chống chọi với thiên nhiên. Và con đường Yên Phụ, chị đi học mỗi ngày, là sự phát triển của cuộc đời… “Vì gió ngược chiều mà diều bay cao” là câu nói một người bạn dành cho chị vào đúng thời điểm chị đã từng định buông tay… Vậy nên, mỗi khi nhìn vào tranh như thể tìm lại được chính mình, tìm lại sức mạnh để giữ chặt dây diều...
Chị đã trầm ngâm trước câu hỏi: Triết lý sống mà chị theo đuổi là gì? Và rồi câu trả lời: “Hãy chung thủy với những gì mình có, với những người thương yêu mình. Hãy kiên định với những gì mình đặt ra. Như vậy, cuộc đời sẽ được bù đắp và cuộc sống sẽ thanh thản”.
Dẫu vậy, có một điều tôi băn khoăn khi đọc những câu thơ trong “Đi tìm một nửa của mình” và “Đôi dép” mà chị lựa chọn treo ở phòng làm việc. Dường như phía sau những người phụ nữ thành đạt, đôi khi khoảng trống là quá lớn, với chị, những ẩn dụ về đôi lứa liệu có nói lên điều gì? Chị Thanh mỉm cười với sự tò mò của tôi và nói: “Nếu nói cuộc đời mình có sự may mắn thì đó là Gia đình và “nửa kia” của mình. Mình thành công được như hôm nay vì luôn yên tâm rằng có một người đàn ông làm điểm tựa cho mình. Một người đàn ông luôn tin tưởng và tán thành với những lựa chọn và quyết định của mình”
Sau những thăng trầm đã qua, giờ đây, ngồi trước chúng tôi là một người đàn bà đang lắng lại mình. Nói chị viên mãn có lẽ cũng không ngoa. Nhưng điều tâm đắc mà chị chia sẻ khi khép lại câu chuyện cùng chúng tôi, gói gọn trong các chữ: “Tôi có công việc để làm, có người để yêu thương và vẫn có điều để hy vọng”.