Con đường khác biệt
Không ngoa khi nói rằng, sản phẩm của La Vỹ Lương độc đáo: không phải là những hình khối đơn điệu, trên miếng sôcôla còn có những lời chúc, bức hình, hí họa và thậm chí là ảnh chụp... đẹp mắt. “Nguyên lý của Chocolate Graphics là dùng sôcôla để vẽ trên sôcôla”, Lương giới thiệu sản phẩm của mình như thế.
Là chủ doanh nghiệp nhưng khi nói đến sản phẩm, Lương chưa bao giờ nhận đó là “của mình”. “Công nghệ là của người Úc, tôi chỉ mang về Việt Nam để kinh doanh”, Lương nói vậy.
Tám năm học chuyên ngành quản trị kinh doanh ở Canada và gần hai năm lao động nơi đất khách để có vốn khởi nghiệp, hành trang ngày về của Lương bất ngờ lại là một kế hoạch kinh doanh với thương gia người Úc.
Lương cho biết, ban đầu anh cũng nhắm đến khá nhiều thương hiệu của Canada, nhưng việc thương lượng chẳng thành. “Sau khi xem lý lịch tôi gửi đến, chẳng có thương hiệu nào chịu hợp tác”, La Vỹ Lương ấm ức.
Nguyên nhân là vì các công ty nước ngoài rất coi trọng kinh nghiệm của đối tác. Trước khi xem xét đối tác sẽ góp phần xây dựng cho thương hiệu của mình, họ vẫn quen tìm hiểu lịch sử hoạt động của công ty ấy. Vì vậy, khi biết Lương là sinh viên vừa tốt nghiệp, họ đã loại anh ra khỏi chọn lựa dù rất ưng ý với chiến lược anh đưa ra.
Thất bại trong việc thuyết phục đối tác, Lương phải “mượn” thành tích kinh doanh của gia đình. Đến thương hiệu thứ ba, Lương mới thành công, có được quyền kinh doanh trên thương hiệu người khác đã xây dựng.
Không ngại rủi ro, Lương chấp nhận ký thỏa thuận nhượng quyền độc quyền và trọn đời đối với thị trường Việt Nam, dù điều này khiến giá của sự chuyển nhượng cao hơn.
“Tôi không thích cái gì nửa vời và một khi đã làm gì thì sẽ làm tới nơi tới chốn. Tôi “cột” mình vào thương hiệu để không có đường lui, chỉ còn cách dốc toàn lực vào nó”, Lương xác định.
Vậy là Chocolate Graphics về đến Việt Nam. Tuy vẫn giữ nguyên slogan “Say it sweety”, nhưng hướng đi của thương hiệu tại thị trường này thì khác.
Biết mình chỉ là con số 0 ở Việt Nam, không như công ty mẹ, chú trọng tìm kiếm những đơn hàng số lượng lớn để thuận tiện trong sản xuất, Lương bắt đầu bằng con đường phục vụ đối tượng khách lẻ.
“Giới trẻ Việt chuộng những điều mới lạ, họ sẽ là những người đầu tiên chịu chi tiền cho những sản phẩm của Chocolate Graphics”, Lương nghĩ vậy. Đúng với dự đoán của Lương, cửa hàng Chocolate Graphics thu hút khách ngay từ những ngày đầu hoạt động, tuy số lượng sản phẩm tiêu thụ không “đột biến”.
Thấy người dùng ưa thích, nhiều thương hiệu đã chọn sản phẩm của Chocolate Graphics dùng làm quà tặng trong những dịp hội nghị khách hàng, kỷ niệm ngày thành lập...
"Thừa thắng xông lên", Lương bắt đầu mang sản phẩm đến thuyết phục các cơ sở sản xuất bánh kem. Vừa có tác dụng trang trí, vừa có thể dùng để khẳng định thương hiệu... là lý do những người sản xuất bánh kem chịu móc hầu bao cho những miếng sôcôla in logo đơn vị mình.
Và sau bảy tháng chính thức ra mắt sản phẩm, Chocolate Graphics đã là đối tác của rất nhiều tiệm bánh nổi tiếng ở TP.HCM.
Thắng lớn trong lĩnh vực bánh ngọt, Lương mạnh dạn tiếp thị sản phẩm đến các khách sạn lớn. Với những đơn vị này, ngoài in logo khách sạn lên sôcôla dùng làm quà tặng khách hàng, Lương còn phải đảm nhận cả việc thiết kế bao bì riêng cho từng loại sản phẩm, như hộp, túi giấy...
Điều này tạo nên sự khác biệt đáng kể và là điểm son để Lương có được cái gật đầu từ những khách hàng lớn như Caravelle, Park Hyatt... “Làm việc với các “ông lớn”, chỉ cần mình thiếu chăm chút, dù là những tiểu tiết, cũng sẽ để lại ấn tượng không tốt”, Lương chia sẻ.
Biến hóa để chinh phục khách hàng
Không phủ nhận mình sẽ không thành công nếu không vay được vốn từ gia đình, La Vỹ Lương vẫn luôn canh cánh trong lòng món nợ ấy. Thế nên, dù gia đình chẳng đòi, nhưng trong cách phân bổ ngân sách, Lương vẫn dành một phần cho việc... trả nợ.
Chính cách tự tạo áp lực bằng trách nhiệm với gia đình đã khiến Lương thận trọng hơn, say sưa hơn trên con đường của riêng mình.
Chấp nhận giá thuê mặt bằng cao ở Trung tâm Thương mại Vincom, Lương quyết định mở thêm quầy trưng bày, bán sản phẩm cho du khách nước ngoài. Với đối tượng khách hàng này, thiết kế trên sôcôla của Lương không chỉ là những câu chúc nhân các dịp kỷ niệm, mà còn là hình ảnh về phong cảnh, con người Việt Nam...
Lương kể: “Rất nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên và ưa thích sản phẩm của tôi. Thỉnh thoảng tôi còn thấy họ đưa tay cố gắng gỡ các hình ảnh trên sản phẩm vì ngỡ đó là giấy dán”.
Tạo được sự ngạc nhiên, thích thú cho khách hàng, lại có thể dùng làm tặng vật đặc sắc nên dòng sản phẩm quảng bá du lịch của Lương được tiêu thụ rất mạnh. “Trong kinh doanh, đôi lúc cũng nên liều”, Lương đùa.
Mùa Giáng sinh năm nay, ngoài sôcôla miếng thông thường, Lương còn mạnh dạn sản xuất thêm dòng sản phẩm sôcôla tươi có nhân. “So với sản phẩm từ công ty mẹ, sôcôla có nhân tại Việt Nam có hương vị khác hẳn”, Lương cho biết.
Để có được hương vị mới, Lương đã phải đích thân làm việc liên tục với đầu bếp người Pháp, do chính công ty mẹ cử đến. Trước khi quyết định sản xuất, Lương đã mời người thân, nhân viên dùng thử để xác định khẩu vị của khách hàng.
Anh kể, dù loại sôcôla này được đánh giá khá cao tại thị trường châu Âu, nhưng khi mang về cho người Việt dùng thử, ai cũng nhăn mặt, lắc đầu. Gia giảm độ chua, độ ngọt, độ béo..., thử nghiệm suốt mấy tháng trời mà Lương vẫn chưa thực sự hài lòng.
“Khẩu vị mỗi nơi mỗi khác, nếu cứ ỷ lại, thấy sản phẩm bán được ở nước ngoài rồi “sao y bản chính” đem vào thị trường Việt Nam là “tiêu” ngay”, Lương giải thích.
Hiểu thị trường, chịu khó biến hóa để khách hàng không thấy nhàm chán, Lương đã bước đầu tạo được chỗ đứng trên thương trường.
Lương cũng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác, nhượng quyền để được phát triển thương hiệu Chocolate Graphics thành chuỗi, thế nhưng ông chủ trẻ đành phải từ chối vì thấy chưa đủ sức.
“Chậm nhưng chắc. Tôi muốn mình hoàn thiện trước khi đi xa hơn khả năng của mình”, Lương khẳng định.
ĐẶNG QUÝ YÊN