Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 10, vải Thái Tuấn đã được chọn để may trang phục cho các nguyên thủ quốc gia trong dạ tiệc bế mạc. Và theo ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, từng thước vải và bộ trang phục đã được Thái Tuấn làm ra bằng cả tâm huyết và niềm tự hào dân tộc.
Sau 2 hôm ở Hà Nội tham dự sự kiện, gặp chúng tôi tại TP.HCM, ông Chí cho biết, cả tháng qua hầu như đêm nào ông cũng chỉ ngủ được 3 tiếng. Từ khi ở Hà Nội về ông ngủ ít hơn nhưng tinh thần làm việc tăng cao. “Tôi không mất ngủ nhưng suy nghĩ nhiều, trăn trở mãi chuyện làm thế nào để hàng Việt Nam thay thế hàng ngoại trong tương lai”, ông giải thích.
- Câu chuyện thương hiệu của Thái Tuấn bắt đầu từ khi nào?
Thành lập doanh nghiệp được 2 năm, năm 1995, tôi sang Hàn Quốc tìm mua máy dệt thì tình cờ gặp một doanh nhân Hàn Quốc cũng làm trong ngành dệt. Suốt buổi trò chuyện, ông bạn này luôn nói đến tinh thần dân tộc của người Hàn đối với tổ quốc họ. Chẳng hạn, ông bảo sẽ không dùng bút nước ngoài trong khi Hàn Quốc có nhiều loại bút đẹp và bền.
Những lời nói của ông bạn nọ khiến tôi suy nghĩ mãi. Tôi hiểu, sở dĩ người Hàn có được những Samsung hay Hyundai hôm nay là bởi mỗi công dân có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Và 1 năm sau đó, những thước vải đầu tiên của Thái Tuấn, cạnh tên thương hiệu đều in rõ “Made in Vietnam”. Câu chuyện xây dựng thương hiệu của tôi bắt đầu từ những điều giản dị như vậy.
- Ông có nghĩ chuyện xây dựng thương hiệu toàn cầu là một việc quá sức, bởi chuyện xây dựng thương hiệu Việt ngay tại thị trường nội địa đã không đơn giản?
Tham dự và quan sát qua nhiều cuộc hội nghị quốc tế, tôi thấy Việt Nam đang khẳng định vị thế và xây dựng được thương hiệu chính trị trên thế giới. Song thương hiệu về kinh tế trên toàn cầu thì chưa được quan tâm. Đã đến lúc khối doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ cần coi việc này như một quyết sách và phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Làm đơn lẻ sẽ không thành bởi một con én không thể làm nên mùa xuân.
Hơn lúc nào hết, tôi nhận thấy thời cơ để xây dựng cho Việt Nam những thương hiệu cỡ Hyundai hay Samsung đang rất thuận lợi và không phải là không làm được.
- Ông sẽ gặp khó khăn đấy!
Tôi thuộc típ người nói là làm và chưa bao giờ nói trước điều gì khi chưa biết khả năng của mình. Cái tầm của nhà quản lý là phải nhìn nhận được những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải. Khi đã nhìn thấy thì sẽ không còn khó nữa. Tôi tâm niệm không có từ khó trong từ điển của mình nên có thể gọi việc xây dựng thương hiệu toàn cầu chỉ là thách thức.
Thách thức của Thái Tuấn hiện nay cũng là thách thức của ngành dệt may Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài với nguồn tài chính mạnh, đang mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam. Thách thức thứ 2 là sau hội nhập, thuế của nhiều mặt hàng giảm nên không ít doanh nghiệp dệt trong nước phải lao đao. Thách thức cuối cùng lại từ sự chủ quan trong nước. Trong khi nỗ lực đầu tư để cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài, các doanh nghiệp lớn lại gặp khó khăn về nhân lực. Phần lớn là lao động giản đơn trong khi chúng ra đang cần nhiều lao động tay nghề cao để làm chủ công nghệ mới.
- Ông đưa ra thời gian thực hiện chiến lược này là 30 năm, bằng nửa đời người. Ông sẽ thực hiện thế nào khi nay đã bước qua tuổi 40?
Đưa ra thời gian 30 năm nhưng tôi tin mình sẽ làm được trong 15 năm. Tại sao ư? Cách đây 15 năm, khi nhiều doanh nghiệp Việt chưa có khái niệm rõ về thương hiệu, tôi đã làm và trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng thương hiệu Việt thành công. Trên thế giới, các thương hiệu thời trang đình đám như Calvin Klein mới có 70 năm, Pierre Cardin 90 năm. Quan trọng là tạo được những điểm nhấn cho sản phẩm trong quá trình xây dựng thương hiệu, giống như khi nói về quần jeans là nhớ đến Calvin Klein.
Và trên hết là phải quyết tâm. Có một câu chuyện tôi đọc được từ năm lên 8 kể rằng, một người cha có đứa con nhỏ mỗi ngày phải mất 3 tiếng đồng hồ đi vòng qua núi để đến trường. Thấy vậy, người cha lấy cuốc ra, bổ vào núi với mong muốn tạo con đường xuyên qua đó cho con đi học nhanh hơn. Hành động của người cha cũng là sự thể hiện khát khao chinh phục thiên nhiên của con người và thực tế ngày nay, đã có rất nhiều con đường hiện đại đi xuyên qua núi. Như vậy, đề ra chiến lược, tâm huyết thôi chưa đủ, phải có quyết tâm làm bằng được mới mong thành công.
- Thái Tuấn sẽ bắt đầu chiến lược này như thế nào?
Chúng tôi đã và đang thực hiện chiến lược này rồi. Hơn 10 triệu USD đã được chi ra để mua máy móc sản xuất, 30% chi phí được dành cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, bởi nếu không ngừng đổi mới, sáng tạo, không thể nói chuyện toàn cầu. Hiện nay, sản lượng của Công ty là 15 triệu mét/năm.
- Nhiều doanh nghiệp dệt đang lo ngại tình trạng khan hiếm nguyên liệu do lượng nhà thương mại sang Việt Nam mua sợi tăng đột biến. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Việc khan hiếm nguyên liệu có nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới đang hồi phục, nhu cầu mua sắm tăng nên đơn đặt hàng tăng. Song yếu tố chủ quan xuất phát từ Trung Quốc. Gần đây, họ đã điều chỉnh nhân dân tệ, siết chặt quản lý lao động và hạn chế cấp phép cho công ty sản xuất sợi vì lo ngại ô nhiễm môi trường tăng cao. Do đó, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đổ sang các nước cung cấp sợi khác để mua nguyên liệu.
Tuy nhiên, cần lưu ý điều này: đang có nhiều nhà đầu tư đổ xô sản xuất sợi và dệt để giải bài toán thiếu sợi. Dự báo trong 3 năm nữa, nguồn nguyên liệu này sẽ bão hòa và thừa cung. Chưa kể, máy móc sản xuất phải đặt hàng 2 năm mới có. Đó là cái khó cho nhà đầu tư nếu không nắm vững chu kỳ phát triển của ngành dệt. Nhưng nếu có phương án dự phòng, vấn đề sẽ được giải quyết.
Theo NCĐT