Sinh ra ở Nam Định, một trong những cái nôi của nghề gỗ nên từ nhỏ Công Hiệp đã mê gỗ. Năm 2002, Công Hiệp rời quê đến cao nguyên đỏ Bình Phước không phải để trồng cây mà khởi nghiệp bằng nghề đục đẽo. “Hồi đó, dân Phước Thiện nghèo lắm, chủ yếu sống bằng nghề bẻ măng, hái nấm, làm mướn…, Hiệp kể. Lận đận hơn 1 năm làm thuê cho các chủ vườn, Hiệp chỉ tích cóp được ngót nghét triệu đồng.
Luôn mang theo bộ đồ nghề đục chạm, Hiệp thử mua dăm ba khúc gỗ mít về đục tượng. Cái tài đục đẽo thấm vào từng thớ gỗ và những sản phẩm đầu tay của Hiệp trên cao nguyên đỏ được lái buôn trên thị xã Đồng Xoài về mua. Lưng vốn của Hiệp tăng lên 4 triệu đồng.
Hiệp tiếp tục lặn lội tìm mua gốc cây có thế đẹp tự nhiên về đục chạm. Từ bộ bàn ghế nhỏ, đến những bức phù điêu lớn hơn và tượng Phật cỡ lớn, nay hiệp là chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Hiệp Thành, tạo việc làm cho hàng chục lao động trẻ. Sản phẩm của Hiệp đã có mặt ở tận TPHCM, Long An, Tây Ninh…
“Khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ để có thể chính xác đến từng centimét là nguyên tắc của nghề đục chạm. Muốn làm được điều đó, bạn cần có tâm và niềm đam mê. Khi có uy tín, khách hàng sẽ tự tìm đến mình”, Công Hiệp trải lòng.
Theo Hiệp, nghề này có thể nói là năng nhặt chặt bị từ dăm trăm ngàn đến vài triệu, vài chục triệu, thậm chí hơn 100 triệu đồng cho một sản phẩm đạt đỉnh cao về sự công phu và tính nghệ thuật.
Chỉ cần ít vốn và tay nghề là có thể khởi nghiệp với nghề đục đẽo, nhưng Hiệp nói phải thật quyết tâm, kiên trì mới làm giàu được. Để làm hài lòng khách hàng, nhiều sản phẩm Hiệp phải mất hàng tháng mới làm xong.
Hàng trăm sản phẩm thô còn ngổn ngang tại xưởng của Hiệp đều đã có chủ đặt hàng. Tuy nhiên, tỷ phú trên cao nguyên đỏ cho rằng, chỉ nếu chạy theo lợi nhuận có thể mọi thứ sẽ hóa bùn.
“Từng ấy gỗ phải mất vài năm kiến tạo và muốn làm giàu phải tiếp tục cần mẫn trên từng centimét để có được sự hài lòng của khách”, Hiệp nói.
Hải Phong