Câu chuyện lũ bão, dường như năm nào cũng xảy ra. Nhưng có vẻ như như chúng ta chưa lên phương án cụ thể để phòng tránh thiên tai, để đồng bào miền Trung không còn phải tay trắng mỗi mùa lũ. Tôi không phải là một chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, không phải một nhà khoa học, nên nên chỉ đưa ra một vài gợi ý trước vấn đề lớn của xã hội.
Theo tôi, ở mỗi thôn nên xây dựng cho một “nhà tránh lũ”. Đó là ngôi nhà cao tầng, kiên cố và rộng rãi, không cần nhiều tiện nghi mà cần những vật dụng cần thiết, cần nước sạch… để nhân dân trong xã nếu chưa kịp sơ tán có thể tập trung tại đó, tránh thiệt hại về người. Những tháng không có lũ, ngôi nhà sẽ là một kho lúa gạo để nhân dân có thể tích trữ lương thực. Các trường học có thể được nâng cấp để có thể làm nơi tránh lũ tạm thời.
Làm như vậy, người dân sẽ không phải bấu víu vào cành cây, cột điện, không phải trèo lên mái nhà để rồi nếu không bị lũ cuốn thì cũng chết vì đói và mệt. Các phương tiện cứu hộ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận và cung cấp hàng hóa nếu nhân dân được tập trung an toàn ở một chỗ.
Tôi có đọc được tin phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã xây dựng nhà hai tầng khá kiên cố. Mỗi căn có diện tích sử dụng khoảng 500 m2, có nhà vệ sinh, bếp và bồn chứa khoảng 1.000 lít nước. Vào 11/2007 lũ lên đến 2,3 m mà nhân dân ở đây vẫn tránh lũ an toàn.
Tại mỗi huyện, người dân và chính quyền, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương nên thành lập một Ủy ban phòng chống thiên tai độc lập. Thành phần của Ủy ban này bao gồm những người có kiến thức, có uy tín và cả các doanh nhân trong huyện, để họ có thể tư vấn cho lãnh đạo, chính quyền và làm cầu nối với người dân. Ủy ban kêu gọi quyên góp, ủng hộ để thành lập ra Quỹ miền Trung dùng ngay khi cần bởi tiền quyên góp những khi có lũ thường mất vài tuần đến cả tháng mới đến đến tay bà con, mà như vậy thì đã quá chậm.
Ngoài ra, chúng ta cần trang bị xuồng máy và các thiết bị cảnh báo lũ như hệ thống cảnh báo sóng thần mà nhiều nước đang làm. Giáo dục và hướng dẫn học sinh và người dân vùng lũ các kinh nghiệm, cách thức chống lũ lụt và thoát hiểm…
Với những giải pháp trung hạn này, chúng ta sẽ giảm được thiệt hại về con người rất đáng kể. Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là biện pháp triệt để lâu dài. Bởi khi lũ lên ngập nhà thì giường, tủ, đồ đạc trong nhà đều bị cuốn trôi hoặc hư hỏng; cây trồng, vật nuôi đều mất. Vì vậy, tôi nghĩ rất cần thiết phải có một biện pháp dài hạn táo bạo hơn nữa.
Một giải pháp dài hạn tổng thể triệt để sẽ phải gồm nhiều giải pháp và cần thời gian, chất xám. Ví dụ vẽ bản đồ lũ khu vực miền Trung; xác định những vùng trũng nhất và di dân ra khỏi khu vực đó. Tổ chức tái định cư cho nhân dân của khu vực rốn lũ. Khi sống ở vùng an toàn hơn, người dân sẽ an tâm về tính mạng và tài sản trong nhà. “An cư mới lạc nghiệp”, nhân dân khi đó mới ổn định để phát triển kinh tế, mới mua sắm, trang thiết bị, đầu tư và phát triển.
Việc thuyết phục được nhân dân cả một làng rời bỏ đình, chùa, miếu, mả bao đời của họ đến một nơi khác là việc khó. Nhưng chúng ta từng rời kinh đô và với mục đích tốt thì tôi tin mọi người sẽ tuân theo. Đối với diện tích đất canh tác ở khu vực trọng điểm lũ, chính quyền phải có định hướng cho dân canh tác mạnh trong vụ chính. Vụ lũ chỉ canh tác cây ngắn hạn hoặc tránh hẳn thời điểm mùa lũ để khỏi lãng phí. Như vậy, thà chỉ canh tác một vụ mà giữ được cả còn hơn là hai vụ mà mất trắng và đói khát.
Chúng ta cũng cần sớm lập một diễn đàn giải pháp cho Miền Trung, tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chính khách, doanh nhân và người dân miền Trung để xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện.
Người dân miền Trung cần những cá nhân, tổ chức mạnh mẽ hơn, quả cảm hơn, có trách nhiệm hơn, để nghiên cứu, xây dựng và triển khai những dự án giải quyết gốc rễ những tai họa lũ lụt cho miền Trung, để đến mùa lũ sang năm, chúng ta không phải chứng kiến những cái chết thương tâm, không phải chứng kiến những đứa trẻ mồ côi, không phải chứng kiến những bàn tay trẻ bám khung cửa ôtô…
Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books