Bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã quyết định gắn liền cuộc đời mình với con cá tra và người nông dân ĐBSCL. Người đàn bà thờ cá - như cách người ta gọi bà một cách trìu mến tự nhận mình đang 'làm dâu thế giới' với kế hoạch đưa con cá tra Việt Nam đi xa với những kế hoạch táo bạo. Bà nói, cuộc đời bà, trọng nhất là chữ “Tín”, ngay cả với những việc nhỏ nhất, đã nói được là phải làm được. Và ở bà toát lên niềm kiêu hãnh khi khẳng định: Tôi là một doanh nhân!
Cho đi và nhận lại
- Thành lập công ty Bianfishco được 5 năm, chính thức đi vào hoạt động gần 4 năm, vậy mà đây là lần thứ hai bà đón nhận cúp Thánh Gióng trao tặng cho Doanh nhân tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, bà có thể chia sẻ cảm xúc lúc này?
Tôi cảm thấy thanh thản và tự hào vì những nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua đã được cộng đồng ghi nhận. Tôi mong muốn bằng chính cuộc đời mình, bằng những gì mà Bianfishco đã đạt được và đang hướng tới, sẽ góp phần để xã hội có cái nhìn đúng về tầng lớp doanh nhân. Và tôi cũng muốn, thế giới hiểu biết đầy đủ hơn về hình ảnh doanh nhân Việt Nam thời hội nhập. Tôi luôn tự nhủ mình là một doanh nhân và tôi phải hành động xứng đáng với danh hiệu đó.
- Vậy bà nhìn nhận thế nào là một doanh nhân, thưa bà?
Tôi nghĩ thương trường khắc nghiệt như chiến trường và doanh nhân giống như một người lính chiến đấu không chỉ vì sinh tồn của bản thân mà phải có lý tưởng. Đó là góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh hơn.
Tôi theo triết lý nhà Phật, sống trên đời gieo gì thì gặt nấy, sống phải biết chia sẻ, phải biết cho đi nhiều hơn nhận lại. Đừng vội nghĩ xem người ta mang lại cho mình nguồn lợi gì, mà hãy nghĩ cùng nhau phát triển hợp tác được cái gì? Hãy nghĩ xem mình có thể đóng góp gì cho cộng đồng?
- Có lẽ vì “triết lý kinh doanh” này mà bà nổi tiếng là một doanh nhân dành nhiều tâm sức cho các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội?
Tôi đã có một tuổi thơ cơ cực. Lớn lên lập nghiệp từ tay trắng, rồi biết bao phen chìm nổi. Vậy nên, tôi luôn nhớ lời má dặn ngày xưa: “Hãy biết cho nhiều hơn nhận”. Sau tất cả những thăng trầm, tôi vẫn giữ cho mình lòng hướng thiện. Khi đầu tư sang Mỹ, tôi cũng đã tìm đến các quỹ xã hội đóng góp cho các hoạt động cộng đồng. Cũng vì thế, nhà chức trách và đối tác sở tại hiểu rằng, tôi là nhà đầu tư nghiêm túc, từ đó có cái nhìn trân trọng hơn đối với tôi và Bianfishco.
Nhưng làm từ thiện thôi chưa đủ. “Cho đi” ở đây không đơn giản là mang lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn “con cá”, mà phải nhìn sâu sa hơn, cần tạo cho họ cái “cần câu”. Đó là lý do vì sao tôi một lần nữa quyết định thay đổi cuộc đời mình!
Cơ duyên cùng con cá tra
- Khởi nghiệp với nghề kinh doanh gỗ, mát tay với kinh doanh du lịch rồi thắng lớn với kinh doanh bất động sản..., vậy sao bỗng nhiên bà lại quyết định quay sang kinh doanh cá tra?
Con cá tra là sản vật của vùng ĐBSCL. Tuy xuất khẩu được nhưng hầu hết người nuôi cá ở đây vẫn khốn khó do giá cả bấp bênh. Điệp khúc được mùa thì mất giá, mất mùa thêm gánh nợ cứ lặp đi lặp lại. 3 năm nay, bao phen nghề cá tưởng như lâm vào ngõ cụt. Tôi sinh ở Cần Thơ, lập nghiệp cũng gắn với vùng sông nước quê mình, cứ phải chứng kiến cái khó, cái khốn của nghề cá mà trăn trở hoài không biết phải làm sao? Đi từ thiện đã đành rồi, nhưng chỉ thế thôi chưa đủ.
Trong những lần ra nước ngoài khảo sát thị trường, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp quốc tế, tôi thấy con cá tra thực sự có tiềm năng xuất khẩu và trở thành thương hiệu riêng có của Việt Nam. Sau quá trình nghiên cứu cẩn trọng, tôi quyết định mình sẽ chuyển đổi kinh doanh, chỉ tập trung vào việc tạo dựng thương hiệu cho cá tra - sản vật duy nhất có ở ĐBSCL. Có nghĩa cần phải gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm cá tra. Nếu làm được điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã trao “cần câu” cho biết bao nhiêu hộ gia đình ở quê hương mình.
- Thật ra đã có nhiều doanh nghiệp đưa cá tra ra thị trường thế giới và cũng gặp khá nhiều khó khăn. Vậy điều gì khiến cho bà tin rằng, khi thành lập ra Bianfishco, bà có thể gia tăng giá trị được cho con cá tra?
Là một doanh nhân, muốn thành công thì phải kiên định với sự lựa chọn của mình, muốn vậy phải có đủ bản lĩnh cũng như sự sáng tạo. Khi tôi bắt đầu đến với nghề cá, đa số các nhà máy đều chế biến theo cách - lọc ra fi-lê cá và xuất khẩu, vừa đơn giản vừa thu được lợi nhuận ngay. Nhưng ngay từ thời điểm đó tôi đã nhận ra chỉ trông chờ vào việc xuất khẩu thế này sẽ không hiệu quả, bởi chỉ mới khai thác được 30% trọng lượng của con cá, còn 70% còn lại như xương, mắt, vi cá, gan, bong bóng... bị bỏ đi, vừa lãng phí vừa gây hại cho môi trường.
Tôi không bao giờ muốn kinh doanh theo phong trào mà luôn chú trọng tìm được hướng đi riêng. Uy tín không tự nhiên sinh ra, cũng không thể dùng tiền mua được. Muốn có uy tín phải tự mình tạo dựng nên bằng chính thực tế hoạt động của mình. Ngay từ đầu tôi đã chọn sẽ dùng chất lượng để tạo dựng uy tín và tạo đòn bẩy để phát triển thị phần. Bianfishco là doanh nghiệp duy nhất thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc từ ao nuôi đến bàn ăn rồi triển khai thành công hệ thống quản lý SA 8000... Do hàng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài nên công tác chất lượng được tôi đặt lên hàng đầu. Đó cũng là cái tâm của một doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, có khi nào, thực tế thị trường nghiệt ngã khiến bà cảm thấy nản lòng muốn từ bỏ mối duyên với cá tra?
Thương trường không hề đơn giản, khi Bianfishco tham gia thị trường, đã chịu sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều doanh nghiệp khác. Thậm chí, có cả cạnh tranh không lành mạnh. Có thời điểm chúng tôi không bán được hàng, tồn đọng lớn. Khi ấy cổ đông phản ứng mạnh, yêu cầu chúng tôi làm hàng theo cách thông thường, không xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ nữa mà quay về xuất sang thị trường khác có thể thu lời hàng vài chục tỷ đồng.
Nhưng ngay cả lúc khó khăn nhất, tôi cũng quyết không từ bỏ con đường đã chọn - không vì cái lợi ngắn mà bỏ qua chiến lược phát triển lâu dài. Tôi đã đi khắp 21 tiểu bang ở Hoa Kỳ tìm cách bán hàng. Và chính yếu tố chất lượng đã là “tấm thẻ xanh” cho Bianfishco đưa hàng vào Mỹ thành công. Không chỉ bán hàng, Bianfishco còn đầu tư 10 triệu USD để thành lập công ty ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đã chứng minh được mình là nhà đầu tư muốn làm ăn lâu dài, nghiêm túc tại đây bằng cách chọn đối tác, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn... Vì thế, chúng tôi được khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi thuế bằng 0 khi xuất cá vào Hoa Kỳ đến năm 2012...
Người mở đường
- Đến lúc này bà là người đầu tiên tuyên bố sẽ gia tăng chuỗi giá trị cho cá tra. Bà cũng vừa khiến người ta ngạc nhiên khi là doanh nghiệp ngành cá đầu tiên thành lập một viện nghiên cứu. Có thể nói gì về những cái “đầu tiên” đó?
Doanh nhân giỏi là phải có tầm nhìn xa và phải đi trước. Tôi có may mắn nhìn ra cơ hội phát triển của chuỗi giá trị cá tra nên tôi nguyện làm người mở đường. Tôi tin, rồi các doanh nghiệp khác cũng sẽ nhận thấy cách làm này là đúng và chuyển đổi. Như vậy, cũng coi như sự mở đường của tôi đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của nghề cá.
Muốn phát triển “tam giác” nghiên cứu - chăn nuôi - chế biến, cần phải đầu tư cho khoa học. Viện nghiên cứu của Bianfishco, vừa được khánh thành hồi tháng 7 vừa qua, là nơi tập trung trí tuệ của các nhà khoa học nhằm nghiên cứu để tận dụng 70% phần cá tra hiện vẫn bị bỏ phí để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao gấp hàng chục lần xuất khẩu cá fi-lê thông thường.
- Phát triển chuỗi giá trị cho cá tra cụ thể sẽ là gì, thưa bà?
Đến cuối năm nay chúng tôi sẽ xuất xưởng mặt hàng nước mắm cao cấp. Thị trường đã được ký kết là Mỹ và châu Âu. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn từ cá tra cũng sẽ được tung ra thị trường vào cùng thời điểm này. Tiếp đó, năm 2011, nhà máy sản xuất dầu ăn sẽ ra đời. Một sản phẩm mang lại giá trị cao nhất chính là chế phẩm collagen giúp chế ra sản phẩm chăm sóc da sẽ được tung ra thị trường. Đây có thể coi là mặt hàng chiến lược của công ty vì đó là sản phẩm “1vốn 30 lời”. Xuất khẩu đến 80% các loại sản phẩm mới này nhưng chúng tôi cũng không quên thị trường nội địa với mức tiêu thụ khoảng 20%. Tuy tuổi đời công ty còn rất trẻ nhưng mỗi bước đi đều được Bianfishco tính toán kỹ. Vậy nên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi có thể vừa thành lập viện nghiên cứu, vừa tập trung xây dựng nhà máy và vận hành được ngay trên cùng khu công nghiệp Trà Nóc theo phương thức quản lý tập trung. Đó là điều mà theo nhìn nhận của nhiều đối tác nước ngoài là: thể hiện tầm nhìn xa của doanh nghiệp.
- Nếu có lời khuyên với các doanh nghiệp muốn đầu tư tại Mỹ, bà sẽ chia sẻ gì?
Người Mỹ quan tâm đến việc bạn là ai, bạn làm ăn với đối tác nào và bạn có ý định đầu tư nghiêm túc không? Hãy chọn doanh nghiệp có tên tuổi của Mỹ làm đối tác, bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ họ.
- Đó có phải là điều bà rút ra được khi một lần nữa lại là doanh nghiệp đầu tiên “bắt tay” cùng một tập đoàn lớn của Mỹ - Cargill?
Cargill là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Việc Cargill chọn Bianfishco - doanh nghiệp thủy sản duy nhất ở Việt Nam làm đối tác sẽ giúp phát triển vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết tay ba giữa hai đối tác doanh nghiệp và người nuôi cá. Ngoài việc góp vốn đến 30% vào Bianfishco, Cargill còn cam kết sẽ hỗ trợ chúng tôi trong nhiều mặt hoạt động phục vụ cho mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cho cá tra Việt Nam, đưa thương hiệu cá tra đi xa hơn nữa.
- Nhận mình đóng vai trò mở đường, liệu có đến một ngày bà sẽ thay đổi cuộc đời một lần nữa với một ngành nghề kinh doanh hoàn toàn mới?
Tôi đã nguyện sẽ dành trọn cuộc đời mình cho việc phát triển thương hiệu cá tra Việt Nam. Để làm được điều đó không đơn giản, tôi tin sẽ còn nhiều điều “lần đầu tiên” nữa!
- Xin cảm ơn bà và chúc cho những dự định của bà sẽ sớm thành hiện thực.
Dương Hương thực hiện