BẢN LĨNH NGƯỜI LÍNH
17 tuổi đi bộ đội, năm 1985 ông Phạm Ngọc Tuân, sĩ quan thông tin xuất ngũ với quân hàm thiếu tá. Tài sản ngày trở về chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Ông chạnh lòng nghĩ tới người vợ thương binh 1/4 cùng bốn đứa con đang cắp sách đến trường, tất cả đều dựa vào ông là trụ cột, mà ông cũng thương binh 3/4. Ông chạy đôn chạy đáo tìm đến xí nghiệp chăn nuôi nhận nuôi heo gia công. Được vài lứa, xí nghiệp giải thể, gia đình mất việc.
Ông gom góp tiền bạc chuyển sang nuôi dê, thỏ. Ông bảo nuôi những con vật ăn cỏ ít tốn kém, dễ có lời, khi ấy xung quanh nhà ông trên đường Âu Cơ (Q. Tân Bình) có nhiều khoảnh đất hoang cỏ mọc ngập đầu. Chưa đầy hai năm, đàn dê, thỏ lên đến vài trăm con, mỗi tháng thu nhập cả chục triệu đồng. Đàn gia súc đang lớn mạnh thì đất hoang lần lượt bị lấn lướt bởi những ngôi nhà cao tầng, số còn lại ao tù nước đọng, cỏ cây bị ô nhiễm nặng. Hết nơi chăn dắt, đàn gia súc lần lượt phải sang tay cho người khác. Ông chuyển sang nuôi trăn. Được chừng một năm, trăn rớt giá, chịu không thấu đành dẹp chuồng luôn.
ÂN NHÂN LÀ... CON NHÍM
Một buổi trưa năm 1988, ông cùng vợ lang thang trên đường Lê Hồng Phong, tình cờ thấy cháu bé khoảng mười tuổi đang bơm từng giọt sữa bò cho con nhím mới sinh vài ngày. Chợt nhớ lại những năm tháng sống ở rừng, có lần ông cùng đồng đội bẫy được con nhím bé tẹo đem về đơn vị nuôi chơi, không ngờ nó chóng lớn lại thân thiện với người. Đam mê và sẵn có kinh nghiệm, ông dừng xe thuyết phục cháu bé bán con nhím ấy. Thấy ông nài nỉ chân tình, cuối cùng cô chủ nhỏ cũng xiêu lòng chuyển nhượng với giá 200 đồng. Hai vợ chồng mang về thay phiên nhau chăm sóc. Hơn năm sau, con vật cân nặng 11kg, lại là nhím cái. Đến lúc này ông mới tất bật đi tìm “chồng” cho nó. Khởi đầu thành công ngoài mong đợi, chưa đầy nửa năm chúng sinh được một cặp, năm sau thêm hai cặp nữa. Mỗi năm hai lứa, lứa hai con, có lứa bốn con. Thấy nuôi nhím mang lại kinh tế khả quan, ông bày tỏ ý định với gia đình phát triển đàn nhím theo hướng kinh doanh, muốn vậy phải có đất rộng và không có cách nào khác là phải bán căn nhà đang ở trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Mọi người thống nhất, ông bán nhà, sau đó mua lại căn nhỏ hơn ở Q.Tân Phú cho các con ở, đi học; khoản tiền dôi ra, vợ chồng dắt díu nhau lên huyện Củ Chi mua được gần 10.000m2 đất tại xã Nhuận Đức làm trang trại. Được sống gần với môi trường tự nhiên, từ lúc về đây nhím sinh trưởng dồi dào. Ông Tuân cho biết, hiện đàn nhím của ông đã nhân được 150 cặp bố mẹ, trong đó nhiều con nặng 17 - 18kg. Riêng con nhím bú sữa bò ngày nào nay đã đẻ được 40 lứa.
Nhím con nuôi khoảng một năm tuổi thì sinh sản, mỗi năm hai lứa, lứa đầu từ một đến hai con, từ lứa thứ hai trở đi đẻ bốn đến năm con. Nhím hai tháng tuổi thì xuất chuồng. Vài năm trước có giá 3 triệu đồng/cặp, sau lên 6 triệu và hiện tại cao gấp ba lần, nhưng người mua phải đặt cọc trước mới có hàng. Nhím mẹ mới đẻ một lứa thì giá tới 28 - 30 triệu đồng/cặp, nhưng ông Tuân rất ít khi bán.
Ông cho biết giá nhím giống cao như vậy nhưng thường không đủ bán, từ lúc hành nghề này đến nay đã 21 năm, nhiều chủ quán thịt rừng năn nỉ bao tiêu với giá không dưới 250 ngàn đồng/ kg nhưng ông chưa có ý định bán nhím thịt.
Trong đàn nhím của ông có con màu trắng đã năm năm tuổi, gọi là nhím bạch tạng. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhím bị biến đổi gen, một triệu con mới có một trường hợp như vậy. Biết là nhím quý, nhiều lần ông “ép duyên” cho nó nhưng ba năm đầu chẳng thấy sinh nở. Đang lúc “giận”, có vị Phó giám đốc một khu du lịch ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) ra giá 75 triệu đồng, ông Tuân định bán nhưng vợ con ngăn cản nên lại thôi. Không biết có phải vì sợ bị bán hay không mà sau đó nó chịu đẻ, đến nay đã được ba lứa, nhưng ra toàn nhím đen bình thường.
Sau 22 năm gắn bó với nhím, ông Tuân kết luận loại động vật này tuy nguồn gốc hoang dã nhưng rất dễ nuôi, không bệnh tật. Thức ăn cho chúng gồm những loại rau củ rẻ tiền như rau cải, khoai mì, bầu bí..., chi phí cho một con nhím mẹ mỗi ngày chỉ hai đến ba ngàn đồng. Chuồng trại thì đơn giản, dùng những tấm lưới sắt ghép lại trên nền xi măng, diện tích cho mỗi cặp chỉ một mét vuông. Nếu làm vệ sinh sạch sẽ thì chúng khỏe mạnh, ít khi mắc bệnh.
Bài, ảnh: TUẤN PHƯƠNG
Theo CA TP.HCM