Tình yêu Việt Nam
* Xin chào “người chèo thuyền” mới của TMV. Sau thời gian ngắn sống và làm việc tại Việt Nam, ông nhận xét thế nào về con người và đất nước chúng tôi?
- Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi rời khỏi nước Nhật công tác lâu dài. Tuy nhiên, tôi có cảm giác gần gũi, thân thiện với nơi đây. Có lẽ do Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật.
Người Việt Nam có nhiều đặc điểm và tính cách giống người Nhật. Tôi đặc biệt thích phong cảnh ở đây vì nhiều nơi rất giống với những thành phố của Nhật.
Tôi sinh ra ở Okayama, một thành phố nhỏ bên cạnh Hiroshima - nơi hầu như người nào trên thế giới cũng một, hai lần nghe nhắc đến. Dù là thành phố nhưng Okayama vẫn được xem là vùng nông thôn của Nhật, vì chưa bị đô thị hóa nhiều.
Tôi thích sống ở thành phố không bị “bê tông hóa” ấy và ở Việt Nam tôi cũng thấy như thế. Đất nước các bạn còn rất nhiều cây xanh, có núi, có đồi, có sông ngòi... nên tôi có cảm giác như ở nhà vậy.
Tôi nói tiếng Anh không tốt lắm nhưng mọi người cố gắng lắng nghe để hiểu tôi nói gì. Đây là điều làm tôi thấy rất vui, thoải mái và không bị tách biệt, lạ lẫm khi đến đây.
Tuy sang Việt Nam chưa lâu, nhưng tôi thấy tính cách của người Sài Gòn cũng khác người Hà Nội. Người Sài Gòn vui vẻ, hòa đồng, hoạt bát, cởi mở và năng động hơn người Hà Nội.
Hầu hết người Nhật đều rất thích TP.HCM vì sự năng động, vui vẻ, thoải mái của những con người ở đây và không có quá nhiều sự ràng buộc như ở Hà Nội. Trong khi TP.HCM phát triển rất mạnh mẽ theo nhịp sống hiện đại và mọi thứ rất rõ ràng thì Hà Nội như một thành phố “nửa chừng Xuân”. Nó vừa cổ lại vừa hiện đại với những công trình, tòa nhà được xây dựng mới khiến người ta không thích.
* Đây có phải là những yếu tố khiến ông điều hành TMV chưa được hai tháng nhưng đã mang gia đình sang “nhập cư” tại Việt Nam?
- Có lẽ là vậy. Hơn nữa, tôi chưa có con nên việc đưa vợ sang đây sinh sống rất dễ dàng. Tôi rất vui là hiện nay vợ tôi rất hạnh phúc với cuộc sống nơi này.
Thời gian cũng chưa phải là nhiều nhưng bà ấy rất thích thú với việc mua sắm và tham quan Việt Nam. Tuần trước, tôi đưa bà ấy đi mua sắm. Đi đến đâu bà ấy cũng tỏ ra thích thú và muốn mua mọi thứ. Hàng hóa ở Việt Nam rất đẹp và rẻ.
Tuy nhiên, ô tô là một ngoại lệ. So với Nhật Bản, giá ô tô của Việt Nam quá mắc. Một chiếc ô tô bán tại Việt Nam có giá gần gấp ba lần so với tại Nhật Bản. Đó là do ô tô ở Việt Nam phải gánh quá nhiều loại thuế, phí.
* Với những cảm nhận như thế, ông có nghĩ Việt Nam là nơi để ông gắn bó lâu dài?
- Còn quá sớm để nói đến điều đó, nhưng nếu có thể, tôi rất muốn được sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam. Có hai lý do để tôi khẳng định điều đó.
Thứ nhất, tôi rất thích văn hóa của đất nước các bạn vì ở đây tôi không cảm thấy mình là người xa lạ. Thứ hai, tôi có một nhiệm vụ rất quan trọng là giúp TMV phát triển.
Niềm tin cống hiến
* 25 năm cống hiến cho Toyota với nhiều vị trí khác nhau, có thể xem ông là một “hình mẫu chuẩn” về người Nhật với lòng trung thành, tận tụy. Đây có phải là lợi thế để ông được chọn làm người điều hành TMV?
- Với người Nhật, lòng trung thành thì ai cũng có. Nhưng lý do quan trọng nhất là tôi có kinh nghiệm về thị trường. Ở Nhật, thị trường lên - xuống, khó khăn hay dễ dàng tôi đều đã trải qua. Hiện nay, thị trường ô tô Việt Nam đang rất khó khăn và TMV cũng không ngoại lệ.
Vì vậy mà lãnh đạo Toyota muốn tận dụng kinh nghiệm của tôi để đưa TMV vượt khó. Hơn nữa, bản thân tôi cũng muốn ra nước ngoài làm việc để học hỏi thêm kinh nghiệm.
* Chưa từng làm việc ở nước ngoài, lại nhận nhiệm vụ điều hành công ty trong thời điểm thị trường hết sức khó khăn, ông có lo lắng không?
- Nguyện vọng lớn nhất và cũng là mong ước của tôi khi nhận nhiệm vụ này là làm thế nào để TMV phát triển hơn nữa. Tôi cũng mong sẽ làm được nhiều điều có ích giúp ngành ô tô Việt Nam phát triển.
Mong ước là thế nhưng trong thời gian ngắn làm việc ở đây, đã nhiều lần tôi tự hỏi: trước những khó khăn của thị trường ô tô Việt Nam, liệu mong muốn của mình có thành hiện thực?
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tự động viên mình hãy cố lên, cố lên để thực hiện những điều mình hy vọng và mong muốn khi đặt chân đến đây. Muốn thực hiện được điều đó, tôi nghĩ mình phải có tình yêu thật sâu sắc với Việt Nam.
* Sẽ là sự khập khiễng khi so sánh ngành ô tô Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, dưới con mắt của một người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, ông thấy thị trường ô tô Việt Nam như thế nào?
- Ba mươi năm trước, thị phần Toyota tại Nhật rất nhỏ và rất khó khăn để phát triển chứ không lớn như bây giờ. Thời đó, chiến lược thống lĩnh thị trường của hãng xe lớn nhất nhờ vào kỹ thuật.
Tuy nhiên, lãnh đạo Toyota nghĩ khác: kỹ thuật cũng quan trọng nhưng vấn đề mấu chốt để phát triển là con người làm ra kỹ thuật đó. Quan niệm như thế nên nhiều năm liền, Toyota tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.
Chính sự đầu tư đó đã mang lại cho Toyota rất nhiều. Chỉ sau một thời gian, Toyota đã bỏ xa các hãng khác và có thị phần lớn mà khó có hãng nào có được.
Hiện nay, ngành ô tô Nhật rất phát triển trong khi thị trường ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Toyota sang Việt Nam từ năm 1995, khi thị trường mới bắt đầu và hiện nay, Toyota tại Việt Nam cũng đã có thị phần tương đối lớn nhưng vẫn không thể so với Toyota tại Nhật Bản.
Thị trường Việt Nam hiện nay rất khó khăn chứ không dễ dàng như những năm trước. Những chính sách về thuế, phí cộng với những đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân... sẽ khiến thị trường ô tô khó lớn thêm.
Tuy nhiên, có một điều rất giống với thị trường ô tô Nhật Bản là phương cách tiếp thị truyền miệng. Khi dùng một sản phẩm nào đó tốt, khách hàng thường chia sẻ ngay với những người khác để họ có thể mua và sử dụng.
Chính những thông tin truyền miệng này rất có giá trị và giúp cho thị trường phát triển nhất. Tôi cho rằng, sự cảm nhận của người dùng là quan trọng nhất đối với thị trường.
Phát triển trong khó khăn
* Như ông nói, thị trường ô tô Việt Nam hiện rất khó khăn. Vậy ông có chiến lược gì để đưa TMV phát triển?
- Chắc chắn chúng tôi sẽ phải xem xét lại kế hoạch sản xuất trong năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đến năm 2018, khi thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung được ký kết giữa các nước ASEAN chính thức áp dụng thì kế hoạch sản xuất của TMV sẽ có nhiều thay đổi. Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì sản xuất trong nước bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Trong đó, biện pháp tăng cường đầu tư tại chỗ và tìm kiếm thêm các nhà cung cấp tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ là những lựa chọn quan trọng.
* Năm vừa qua, nền kinh tế thế giới suy thoái, thiên tai tại Nhật Bản và Thái Lan đã tác động không nhỏ tới thị trường ô tô Việt Nam nói chung và TMV nói riêng. Song với sự nỗ lực vượt bậc, TMV vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu trong các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, Toyota Việt Nam đạt được thành tích này là nhờ vào yếu tố nào?
- Những biến động đó ảnh hưởng không nhỏ đến TMV trong năm qua. Tuy nhiên, TMV vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu trong các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài FDI với thị phần đạt 45,3% và chiếm 27% thị phần trong toàn thị trường.
Doanh số bán hàng trong năm 2011 của TMV đạt 29.729 xe, nâng doanh số bán hàng tích lũy của công ty kể từ ngày thành lập đến nay lên xấp xỉ 207.000 xe. TMV đã cung cấp ra thị trường các mẫu xe mới với nhiều cải tiến như: Fortuner TRD Sportivo, Innova GSR mới, Yaris, Land Cruiser và Land Cruiser Prado.
Không chỉ vậy, các mẫu xe của TMV như Innova, Fortuner, Corolla Altis, Vios... đều nằm trong danh sách các mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường ô tô Việt Nam. Cùng với tiêu thụ nội địa, TMV cũng đã xuất khẩu các loại phụ tùng ô tô như: ăng ten, van điều hòa khí xả và bàn đạp chân ga sang 10 nước trên thế giới.
Có được kết quả này cũng là nhờ TMV có nguồn nhân lực mạnh. Cũng như Toyota toàn cầu, nhiều năm nay TMV tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Những người làm việc tại TMV rất chuyên nghiệp, chăm chỉ và cống hiến.
* Nếu lấy kinh nghiệm từ Nhật Bản, theo ông, để ngành ô tô Việt Nam phát triển, các cơ quan liên quan của Chính phủ cũng như doanh nghiệp sản xuất ô tô phải làm thế nào?
- Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có chiến lược và chính sách rõ ràng, ổn định và nhất quán để hỗ trợ tốt sự phát triển của ngành sản xuất ô tô và phụ tùng trong nước nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020. Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ Chính phủ xây dựng một dòng xe chiến lược để ngành công nghiệp ô tô phát triển quy mô hơn và vững chắc hơn.
Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi có chính sách thuế khuyến khích và ổn định, qua đó góp phần phát triển cả thị trường và ngành công nghiệp. Khi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng lòng thì tôi tin chắc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có khả năng theo kịp các nước khác.
Lợi thế nhân lực trẻ
* Ông đánh giá như thế nào lòng trung thành của đối tác, khách hàng, nhân viên và cả trong các mối quan hệ của cuộc sống?
- Với người Nhật, lòng trung thành rất quan trọng. Tôi đã làm việc 25 năm cho Toyota Nhật Bản và hầu như những người làm việc tại đây đều có thâm niên làm việc rất lâu. Điều mọi người công nhận là tất cả nhân viên đều có tình yêu với công ty và họ mong muốn làm việc chăm chỉ để đóng góp nhiều hơn nữa cho công ty.
Nhờ có được đội ngũ như thế mà Toyota đã lớn mạnh. Nhiều người vẫn hay thắc mắc nhờ đâu Toyota có đội ngũ nhân viên như thế? Đơn giản vì Toyota luôn tôn trọng nhân tố con người. Lãnh đạo công ty luôn muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho những người làm việc, cống hiến cho công ty.
Tại TMV, tôi cũng luôn muốn nhân viên sẽ trung thành với công ty. Với các đối tác, khách hàng cũng thế. Tôi nghĩ, nếu công ty có những chính sách bán hàng mang lại nhiều quyền lợi hơn cho khách hàng, khiến họ yêu thích thì chắc rằng những khách hàng đó sẽ quay lại, sẽ trung thành với sản phẩm, với thương hiệu của chúng tôi.
* Ông cảm thấy thế nào khi đảm trách một công ty có hơn 90% là người Việt? Họ có đáp ứng được kỳ vọng của ông?
- Việt Nam có dân số rất trẻ. Người Việt Nam rất chăm chỉ và ham học hỏi nên dễ dàng tiếp thu những nét văn hóa, những đặc tính của những nước khác. Điều ấn tượng của tôi là người Việt Nam biết cách làm như thế nào để hoàn thành và đến đích nhanh nhất. Làm nhanh thì tốt nhưng đôi khi nhanh quá cũng có cái hại.
Theo tôi, song song với tốc độ thì chúng ta nên suy nghĩ mình muốn làm cái gì và để đạt được mục đích gì. Chúng ta làm bằng chính tâm hồn và trái tim của mình thì kết quả sẽ tốt hơn. Tôi tin là người Việt Nam đủ lực và khả năng để làm những điều mà họ muốn, và có thể họ sẽ làm được tất cả mọi thứ.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!
HỒNG NGA