Nam Lào ngày càng gần hơn với khách Việt. Nhất là từ khi đường từ Bờ Y, Kon Tum; từ Hoa Lư, Bình Phước… đến đây đã được sửa sang, thông thoáng. Miền đất hiền hoà trù phú, nhiều danh lam thắng cảnh Pakse, thủ phủ Nam Lào... được yêu thích bởi dân du lịch balô quốc tế từ lâu, giờ đang là điểm đến của các bạn trẻ Việt. Các công ty du lịch nhạy bén cũng đã có những ý tưởng thú vị: “Một ngày du lịch bốn nước”...
Wat Phou vỡ lở nhưng còn sắc sảo
Có nhiều điểm tham quan, dã ngoại, nghỉ ngơi… ở Pakse, nhưng không du khách nào bỏ qua Wat Phou, điểm “must-see” của tất cả sách hướng dẫn du lịch. Nằm ở độ cao 1.400m, cụm di tích là Di sản văn hoá thế giới Unesco Wat Phou có vẻ khiêm tốn so với Angkor hoành tráng ở Siem Reap, Prasat Preah Vihear… Nhưng kiến trúc tinh tế, những phù điêu, pho tượng… sắc sảo của ngôi đền xây dựng từ nhiều thế kỷ trước Angkor tạo ra nét riêng cho nơi này.
Hướng đông, tựa núi, nhìn sông… người xưa đã rất khéo chọn nơi phong thuỷ đặc biệt để xây dựng Wat Phou. Nằm dưới chân Phu Kao, ngọn núi có phần chóp nhô lên thẳng đứng như một linga, biểu tượng của thần Shiva, ngôi đền bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 5. Quá trình xây dựng của Wat Phou cũng rất lạ, bởi phần lớn những gì còn thấy hiện nay có từ thế kỷ 11 – 13. Lúc đầu được xây dựng để thờ phụng các vị thần Ấn giáo, ngôi đền dần dần chuyển thành chùa Phật, là trung tâm Phật giáo của vùng Nam Lào. Do vậy, bên những tượng Phật được kính cẩn thờ phụng, còn có những pho tượng, phù điêu chạm trổ truyền thuyết các vị thần Ấn giáo.
Từ Pakse, theo quốc lộ 13 xuôi nam đi 30km, bên tay phải có bảng hướng dẫn đi vào Champasak/Wat Phou. Rẽ phải, sang sông là đi Wat Phou, còn đi thẳng tiếp vài kilômet thì thấy cũng bên tay phải có bảng hướng dẫn vào Wat Tomo, cách đường chính vài kilômet. Đường bộ ngắn nhất từ TP.HCM đi Pakse là ngang qua Hoa Lư, qua đất Campuchia, rồi mới sang Lào, sáng đi chiều tới (khoảng 800.000 đồng/vé). Tại Pakse có thể thuê xe gắn máy, khoảng 160.000 đồng/ngày để lang thang hoặc mua các tour trong ngày. Khách sạn từ 150.000 đồng trở lên, ăn uống khoảng 40.000 đồng/phần trở lên. |
Trên dưới ngàn năm tuổi, đã có nhiều hư hại, suy sụp… nhưng vẫn còn đó một Wat Phou oai tráng. Đá vỡ nhưng vẫn còn ghi dấu những đường nét chạm trổ sắc sảo. Tường phai vẫn thấy các phù điêu đá mềm mại uốn lượn. Mái sụp, vách nghiêng vẫn còn những pho tượng uy nghi, sinh động từng nét nhỏ… như thách thức với thời gian. Tôn thêm cho những ngôi đền đá là những cây thốt nốt lẻ loi cao ngút, những hàng sứ cổ thụ xù xì toả hương hoà vào khói nhang trầm. Dưới hàng sứ trắng hoa, mẹ già lụ khụ bước chậm, thiếu nữ duyên dáng thành kính nâng những tràng hoa, bên áo đỏ cà sa nhè nhẹ bước trên đá xám mòn nhẵn...
Cả buổi trời tôi “say” trong Wat Phou cũng như đã mấy đoàn khách đến rồi đi. Sang sông tôi hướng về đền Tomo, nơi tối qua bạn trẻ Đan Mạch giới thiệu “hoang tàn nhưng rất thú vị để đến”, rồi họ cười cười nhất định không nói gì thêm.
Tomo hoang tàn nhưng vẫn được giữ gìn
Ngôi đền Tomo, còn gọi Uo Moung, được xây dựng ở thế kỷ thứ 9, thời vua Khmer Yasovarman I. Người ta cho rằng ngôi đền là nơi thờ cúng, tẩy trần của khách hành hương trước khi sang sông, dâng lễ ở Wat Phou. Dù nghe nơi đây đổ nát hoang tàn, nhưng nhìn bảng giới thiệu di tích Unesco treo ở đường rẽ vào Tomo (nằm trong cụm Wat Phou) tôi cũng thấy phấn khích.
Những con chữ của người dân Lào nào đó đã đong đầy tình cảm dành cho di tích của cha ông họ, để giới thiệu với du khách.
|
Đúng là chẳng còn gì. Từ bìa rừng, nơi có tấm bảng nhỏ khác chỉ vào Tomo, tôi bỏ xe gắn máy đi vào. Len lỏi trong khu rừng xanh tốt, hy vọng nhìn thấy đỉnh đền nhô lên. Nhưng đi mãi chẳng thấy cái đỉnh nào cả. Chỉ thấy rải rác những tảng đá đen nằm lăn lóc và đó là mảnh vỡ các phù điêu, tượng đá… Gần hơn nữa, nơi có nhiều ụ đá và một cái cổng đá còn nguyên vẹn duy nhất, tôi biết chắc là chẳng còn đền đài nào hết. Wat Tomo đã sụp đổ hoàn toàn.
Thấy xa xa lấp ló căn nhà nhỏ, giống trạm gác hay nhà của người bảo vệ khu di tích, tôi bước tới, định kiếm người hỏi han. Nhà cũ nát, cửa khoá, không có ai. Tôi lui ra định quay về, bỗng sững người khi thấy những dòng chữ trên tường. Không có kinh phí để in ấn bảng biểu hướng dẫn (mà có là bao?), ai đó đã viết tay lên góc còn nguyên vẹn nhất của bức tường đã xuống màu vôi vữa, giới thiệu về Tomo, về di sản của cha ông họ.
Sững người hồi lâu, tôi đọc kỹ những dòng chữ, hiểu thêm về Tomo, về những phù điêu vỡ, những yoni mẻ, linga rụng, những rắn thần naga chỉ còn 2 – 3 đầu… Nhưng quan trọng nhất là hiểu sự trân quý của người dân Lào, đã giữ gìn từng mảnh vỡ đó, đã nắn nót ghi từng con chữ xiên xiên nhưng đong đầy tình cảm dành cho di tích của cha ông, để giới thiệu đến du khách.
Chụp hình Tomo nhiều, đến từng mảnh vỡ nhỏ. Tối, đưa hình hỏi lại bạn trẻ Đan Mạch “Có phải bạn nói Tomo thú vị vì bức tường có chữ này?”, bạn gật đầu. Tôi cũng vậy. Và tôi mong sao có những nhà quản lý dù chỉ như ai đó viết trên bức ở Tomo này, để không còn nghe những tiếng kêu cứu thảng thốt của các di tích ở quê nhà.
Bài và ảnh: Hoàng Bảo