Biển Chết nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan, cách Đông Nam Amman khoảng 55 km. Không chỉ biết đến là hồ chứa nước có độ mặn cao nhất thế giới, biển Chết còn nổi danh như nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất.
Bạn sẽ phải lặn xuống 423m so với mực nước biển để tiếp cận được bãi biển và bề mặt của biển Chết. Có độ sâu 377m, khu vực này còn được xem là hồ nước sâu nhất hành tinh. Nồng độ muối của biển Chết chiếm 33,7%, cao gấp 8,6 lần so với các đại dương khác. Người ta có thể cô được 340gram muối từ mỗi lít nước biển Chết.
Đặc điểm quá mặn của biển Chết khiến cho thế giới thủy sinh ở nơi đây gần như không tồn tại, từ các loại cá cho tới cây cỏ, mặc dù một lượng nhỏ vi khuẩn và nấm vẫn sinh sôi. Nước biển Chết mặn đến mức độ mà con người không thể bị chìm. Trên thực tế, biển Chết được biết đến qua các bức ảnh khách du lịch trôi bồng bềnh trên mặt nước và đọc sách báo.
Nước từ dòng sông Jordan đổ vào biển Chết, nhưng không có lối ra. Muối kết tụ tại những chỗ trũng, đôi khi được thanh lọc và tích tụ trong nhiều thế kỷ. Nước muối chứa hơn 35 loại khoáng chất, bao gồm magie, canxi, kali, brôm, sulfua và iot. Đặc tính hóa học kỳ lạ này của biển Chết hình thành nhiều đụn muối có hình dáng kỳ lạ, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đáng tiếc, chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian không dài.
Một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của tạo hóa tại biển Chết là “nấm muối” có hình thù như cây nấm, mọc trồi hẳn lên khỏi các vùng hồ cạn gần bãi biển. Mũ nấm muối có hình tròn hoặc elíp, đường kính lên tới 50cm. Nhìn từ xa, chúng như những trồi nấm khổng lồ mọc lên từ mặt nước, khi tiến đến ngần, chúng mình có thể thấy rõ kết cấu gồm nhiều đường tròn đồng tâm của nấm muối. Thậm chí, một số đụn muối nấm giống như kim tự tháp, nhỏ và nhọn dần ở phía trên.
Nấm muối thường hình thành vào những buổi sáng lạnh giá, sau quá trình bay hơi nhanh chóng khi những khu vực hồ cạn bị bao phủ bởi các lớp màng muối. Những cơn gió nhẹ cũng có thể phá tan liên kết của màng tinh thể muối, một số mảnh vụ sẽ chìm xuống đáy, trong khi số khác liên kết lại để tạo nên nấm muối nhỏ. Dần dần, nấm muối trở nên lớn dần trên mặt nước, cấu trúc cũng ngày càng vững chãi hơn.
Những tảng muối lớn càng trở nên chắc chắn hơn nhờ kết cấu canxit, có thể liên kết các mắt xích tinh thể muổi nhỏ. Theo thời gian, những cấu trúc muối nhờ canxit có thể tạo nên các viên muối nhỏ kết dính. Chúng trông hệt như chùm nho trắng muốt, chen chúc chỗ tồn tại cạnh nhau. Ngoài ra, các hình dạng khối muối tại biển Chết còn phụ thuộc vào việc ion sắp xếp trong cấu trúc đó thế nào.
Bởi lẽ ion và chất đồng vị trong nước biển Chết kết tính theo nhiều phương thức khác nhau, nên chúng mình có thể tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc muối độc đáo tại vị trí thấp nhất hành tinh này. Những cột muối rắn chắc như thạch cao, mang hình hài nhũ đá có thể bám víu vào bất kỳ đâu, từ mạn thuyền, trên đá hay các sườn dốc để treo lơ lửng trên mặt nước.
Thậm chí, một số loại khoáng chất như canxi các-bo-nát cũng tham gia vào quá trình “điêu khắc” tác phẩm muối tại biển Chết khi thời tiết ấm lên, thường là vào cuối mùa Hè. Kết quả là, chúng ta có thể trông thấy dưới bề mặt nước như tồn tại một thảm tuyết trắng bông. Khi có sự xáo trộn hay sóng biển, tính kết dính của các tinh thể muối tuyết bị phá vỡ và vẩn đục lên trên bề mặt. Vì vậy mà nước biển thường có màu đục. Trong một số trường hợp, bong bóng khí hình thành tạo thành lớp bọt trên bề mặt biển Chết.
Những thập kỷ gần đây, diện tích mặt nước nước biển Chết càng thu hẹp khi mực nước rút xuống một cách nhanh chóng và sông Jordan không còn là nguồn cung cấp “sự sống” cho nơi đây. Bởi lẽ nước sông được dùng cho mục đích nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Theo thời gian, sẽ chỉ còn lại một vài kiệt tác của tạo hóa nơi đây mà thôi.
Năm 2009, một dự án bảo tồn biển Chết đã ra đời. Người ta sẽ lấy nước từ biển Đỏ để cung cấp cho sông Jordan, từ đó sẽ có thêm lượng nước chảy vào biển Chết. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
(Theo ione)