"Số" lận đận
Là một trong các dự án khách sạn cao sao quy mô cực lớn ở Hà Nội, được kỳ vọng hoàn thành vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tuy nhiên, do những trắc trở khác nhau, dự án khách sạn Hoa Sen (Lotus Hotel) - tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội - đã hơn một lần lỡ hẹn. Được xem là dự án ngang tầm và cùng thời với các siêu khách sạn hạng sang tại Hà Nội như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza... song trong khi những khách sạn này đều đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, khách sạn Hoa Sen tới giờ này còn chưa được khởi công.
Đầu năm 2009, tập đoàn Riviera (Nhật Bản), chủ đầu tư dự án xây dựng khách sạn Hoa Sen đã có văn bản đề nghị được rút khỏi dự án do gặp khó khăn về tài chính. Liền sau đó, nhiều nhà đầu tư trong nước đã đề xuất thành phố cho phép đầu tư dự án này sau khi Riviera rút lui. Cuối cùng, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã được UBND TP. Hà Nội chính thức giao làm chủ đầu tư dự án khách sạn Hoa Sen với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, chấm dứt chuỗi ngày long đong của dự án.
Ngay sau khi được giao làm chủ đầu tư, KBC đã bắt tay ngay vào tiến hành các công đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Trong đó, được dư luận chú ý nhất chính là phương án quy hoạch - kiến trúc của công trình, vốn được nhiều người kỳ vọng là dấu ấn của nền kiến trúc nước nhà trong tương lai. Thông tin từ Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP Hà Nội cho biết, KBC đã chọn nhà tư vấn hàng đầu thế giới về kiến trúc là Foster & Partners. Cùng với việc thay đổi chủ đầu tư, dự án cũng có một số điều chỉnh lớn cho xứng tầm với vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội. Cụ thể, dự án được xây dựng trên lô đất có ký hiệu VC3.1 trong khu quy hoạch Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam, xã Mễ Trì với diện tích đất khoảng 4ha.
Foster & Partners đã lựa chọn 12 chuyên gia thiết kế từ 12 quốc gia khác nhau để xây dựng 24 phương án kiến trúc, từ đó lọc ra 2 phương án. Trong đó, phương án công trình kiến trúc hình bông lúa được chủ đầu tư rất tâm đắc vì hình ảnh bông lúa đã gắn liền với lịch sử văn minh lúa nước của Việt Nam, bông lúa cũng là biểu tượng của sự trù phú. Ngoài ưu điểm về hình tượng, thiết kế công trình còn đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường (các khu vườn treo được bố trí ở tất cả các tầng của công trình), tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy… Hướng nhìn chính ưu tiên của công trình là hướng về phía Trung tâm Hội nghị Quốc gia và đường Phạm Hùng.
"Nóc nhà" Việt Nam
Sau khi nghiên cứu, KBC và Foster & Partners đã đưa ra hai phương án kiến trúc. Hầu hết các thành viên trong Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố đều đánh giá cao chất lượng của phương án B với biểu trưng hình bông lúa. Theo phương án này, công trình có diện tích xây dựng hơn 19 nghìn m2, mật độ xây dựng khoảng 47,8%, tổng diện tích sàn 640 nghìn m2, diện tích 6 tầng hầm để xe 240 nghìn m2...
Với uy tín và những công trình mà Foster & Partners đã thực hiện trên thế giới, các chuyên gia trong Hội đồng đều đánh giá cao và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng, tính chuyên nghiệp của tư vấn này. Nhiều thành viên đã đặt kỳ vọng công trình sẽ trở thành dấu ấn kiến trúc không chỉ của Hà Nội mà còn là của Việt Nam. Vấn đề khá hóc búa của công trình này đó là chiều cao. Theo phương án B, chiều cao của công trình lên tới 400m, cao hơn tòa nhà Keangnam ở phía bên kia của đường Phạm Hùng. Một luồng ý kiến cho rằng, không nên hạn chế chiều cao của công trình vì có như vậy mới thể hiện được sự vươn lên của biểu trưng bông lúa. Đây là vị trí có thể xây dựng một công trình tầm cỡ, tạo nên biểu tượng kiến trúc hiện đại của giai đoạn mới. Việc xây dựng hai tòa tháp cao như vậy trong khu vực này không ảnh hưởng đến công trình “hạt nhân” của khu vực là Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Bên cạnh đó, có một luồng ý kiến khác, tuy đánh giá cao thiết kế và công năng của công trình nhưng vẫn còn những lo ngại. Quy mô công trình như vậy sẽ gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên cần tính toán kỹ. Bên cạnh đó, cần lưu ý hành lang pháp lý trong quy hoạch của khu vực này nhằm đảm bảo tính nhất quán trong việc tuân thủ các quy định.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng đã có ý kiến về quy hoạch kiến trúc và chức năng công trình Khách sạn Hoa Sen. Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng, hiện đại trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng là phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý, công trình có tính biểu tượng cao nhưng phải thân thiện, phù hợp với không gian kiến trúc hiện đại trên toàn bộ trục đường Phạm Hùng. Tòa nhà cần nghiên cứu hai khối có chiều cao chênh lệch nhau từ 50m đến 100m, khối cao nhất không quá 400m. Không gian chức năng bên trong của hai tòa tháp Khách sạn Hoa Sen cần nghiên cứu bố trí với những đường nét đơn giản hơn, quy về những hình học cơ bản (vuông, chữ nhật) để đảm bảo sử dụng không gian hiệu quả. Hình thức kiến trúc cách điệu bông lúa chỉ nên nghiên cứu là hình thức kết cấu vỏ bọc bao che bên ngoài công trình và cần có sự thống nhất. Khối đế cần nghiên cứu đảm bảo không gian thoát người ở dưới mặt đất, chú ý diện tích sân, cây xanh, mặt nước đủ rộng...
Theo như các thông số được Bộ Xây dựng "bật đèn xanh", khách sạn Lotus trong tương lai sẽ là tòa nhà cao nhất Hà Nội - Việt Nam. Tòa nhà cao nhất tại Hà Nội hiện nay là Keangnam Hanoi Landmark Tower với chiều cao 70 tầng và chiều cao 336m. Hai dự án cao tầng khác phải kể tới là VietinBank Tower - cao tới 362m, 68 tầng (đã khởi công xây dựng tháng 10/2010) và PVN Tower (chưa khởi công) vừa qua đã điều chỉnh chiều cao từ 102 tầng xuống còn 79 tầng (chưa kể 5 tầng hầm) !
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc, chủ đầu tư đã được chấp thuận khởi công dự án Khách sạn Lotus trong quý I/2011. Thay vì con số 500 triệu USD và quy mô 5 sao như dự kiến, dự án Lotus sẽ có số vốn khoảng 1 tỷ USD và tiêu chuẩn 6 sao. Ông Đặng Thành Tâm nói: “Đây là cơ hội để Kinh Bắc đóng góp cho đất nước một công trình ấn tượng”.
(Theo Doanh Nhân)