Sau 6 năm “vất vả” với Rail TV Trang vẫn thư thái, trẻ trung và lạc quan: “Mình sắp đầu tư thêm 150 màn hình trên các toa tàu, như vậy, mỗi toa sẽ có 4 màn hình và khách đi tàu sẽ thoải mái theo dõi các chương trình giải trí”.
Lúc bắt đầu thực hiện Rail TV, Trang mới tròn 33 tuổi. Khi chị bàn với gia đình và bạn bè, ai nấy đều bàn ra, cho là ý tưởng của Trang rất khó thực hiện. Nhưng Trang quả quyết: “
Sẽ làm được vì ngoài cung cấp các dịch vụ giải trí, Rail TV còn là kênh quảng cáo tiềm năng của DN, bởi phần lớn hành khách xem chương trình Rail TV trung bình từ 4 tiếng trở lên, lại không được chọn kênh”. Và thành công đầu tiên của Trang là thuyết phục được ban lãnh đạo ngành đường sắt cho cô thực hiện ý tưởng.
Nhớ lại những ngày đầu, Trang kể: “Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng, ban lãnh đạo ngành đường sắt đã đến công ty khảo sát, tìm hiểu thực lực và kiểm tra tài chính. Lúc đó, nhân viên công ty chỉ có ba người, văn phòng thì sơ sài, tài chính là con số không, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ vô tư “khai báo”:
“Công ty mới thành lập, chức năng chính là tìm tài trợ cho các kênh quảng cáo để hưởng hoa hồng, hiện nguồn tài chính lớn nhất công ty có được là ba hợp đồng tài trợ quảng cáo mới ký được. Sau rất nhiều lần đi đây đó bằng tàu lửa, tôi thấy hành trình thường quá dài mà hành khách lại không có gì để giải trí, nên tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện Rail TV. Trước mắt, tôi không có tiền nhưng có tâm huyết và sự quyết tâm”.
Và chỉ bằng sự thành thật đó mà Trang đã thuyết phục được ban lãnh đạo ngành đường sắt đồng ý cho cô thử nghiệm trước trên hai đoàn tàu. Nhận quyết định, Trang vừa mừng lại vừa run, vì lấy đâu ra tiền thực hiện dự án gần 3 tỷ đồng.
May mắn, Trang được Công ty LG cung cấp màn hình và quảng cáo, phần còn lại cô vay mượn thêm gia đình để đầu tư máy thu, máy phát, mua chương trình phát sóng và thành lập đội ngũ nhân viên... Đến nay, Sen Communications đã trở thành công ty duy nhất độc quyền kênh giải trí truyền thông và quảng cáo trên mười đoàn tàu Bắc - Nam (SE 1 - 8 và SH1, 2) với đa dạng các chương trình giải trí.
Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đã phát sinh không ít khó khăn, Trang cho biết:
“Lúc đó ngành đường sắt không cho phép tôi dùng dây nhợ liên quan đến điện, nên chúng tôi phải sử dụng đầu truyền phát sóng. Thế nhưng, nếu dùng đầu truyền đủ mạnh để phát cho các đoàn tàu thì bên quân đội không cho phép, còn sử dụng bộ nhỏ hơn thì sóng bị chập chờn.
Vì vậy, tôi phải cùng đội ngũ nhân viên kỹ thuật tìm cách khắc phục, sử dụng dây điện nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và an toàn của đoàn tàu, chấp nhận chi phí tăng lên hơn 40% so với dự kiến”.
Sau hơn một năm thử nghiệm, Trang đã thuyết phục được một số khách hàng đang muốn tìm kênh mới lạ để quảng cáo. Tuy nhiên, tính khả thi của quảng cáo trên Rail TV không như suy tính chủ quan của Trang khi nhiều DN cho rằng không đo lường được hiệu quả.
Hơn nữa, nhiều chủ DN vẫn chưa xóa được cách nghĩ về xe lửa của thời bao cấp. Để “gỡ khó”, một mặt Trang phải “tuyên truyền” để khách hàng hiểu được dịch vụ trên các đoàn tàu cao cấp Bắc - Nam đã đổi mới, mặt khác, phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để thuê hai công ty nghiên cứu thị trường là Nielsen và TNS làm các khảo sát về hành khách đi tàu và hiệu quả của Rail TV, ghi lại kết quả theo dõi lịch phát quảng cáo trên Rail TV.
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhiều DN phải cắt giảm chi phí quảng cáo. “Đường đi chưa sáng lại gặp bóng mây”, thế nhưng Trang không nản mà quyết tâm tìm bước đột phá bằng cách thay đổi tư duy, xây dựng đội ngũ nhân viên tiếp thị chuyên nghiệp, mạnh dạn nâng cấp dịch vụ, đầu tư đổi mới màn hình LCD và các thiết bị nghe nhìn.
Kết quả là sau năm 2009, Rail TV khởi sắc trông thấy vì nhiều DN cho rằng chi phí quảng cáo trên Rail TV không những rẻ hơn các kênh khác mà còn hiệu quả, bởi một năm có khoảng 10 triệu hành khách đi tàu.
Song, quan trọng hơn là Rail TV còn có dịch vụ bán sản phẩm của các công ty thuê mình quảng cáo ngay trên tàu, đồng thời phát mẫu dùng thử, brochure giới thiệu sản phẩm, dán sticker trên khay ăn sau lưng ghế...
Không chỉ kinh doanh, Trang còn phối hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Phòng chống thương vong châu Á, Tổ chức Phòng chống HIV phát các thông điệp hướng tới cộng đồng: khuyến cáo về an toàn giao thông, sức khỏe cộng động, phòng ngừa bệnh...
Đặc biệt, Tổ chức Operation Smile đã chọn Rail TV là đối tác truyền thông và là kênh quảng bá thông tin và các chương trình nhân đạo đến với cộng đồng Việt Nam.
“Trong năm 2012, Công ty Sen sẽ trích 1% từ doanh thu của Rail TV để đóng góp vào quỹ từ thiện của Operation Smile nhằm giúp đỡ những em bé bị dị tật bẩm sinh, mang đến nụ cười cho các em và gia đình”, Trang chia sẻ.
Đã vượt qua những chông gai của thời kỳ khởi nghiệp, giờ đây Trang chỉ mong muốn nỗ lực của mình sẽ được khách hàng và các đại lý nhìn nhận, ủng hộ để chị tiếp tục phục vụ, mang đến tiếng cười và những phút giây thư giãn cho hành khách trên những hành trình dài đi khắp đất nước.
Ý NHI