Còn phía chân núi Cô Muông bên này vẫn là thác của nhà ta, quê ta, đàn bê vẫn như trẻ con, vẫn tung tăng chạy dưới đồng đã gặt. Ngồi đốt rạ nhìn thác đẹp mê hồn mà tiếc nuối vì không mang theo máy ảnh có ống kính rộng để chụp thác gió ở sông xanh Quây Sơn.
Thác Bản Giốc vẫn đổ xuống Quây Sơn
Sông Quây Sơn xanh ngắt, nếu lữ khách từng đi qua nhiều dòng sông, qua nhiều ngọn thác, qua nhiều hang động, nhưng đến Trùng Khánh Cao Bằng nhìn thấy núi Cô Muông vẫn cao nhất, động Ngườm Ngao vẫn đẹp nhất, quyến rũ nhất.
Lúa trên đồng đã gặt, những cây rơm ở Trùng Khánh chất lên ruộng một hình thù lớn hơn cây rơm ở cao nguyên đá Đồng Văn. Cây rơm rất Trùng Khánh, có vẻ đẹp tròn tròn của hình hạt dẻ. Chị Thắm nói đến Trùng Khánh vào tháng 9, tha hồ nướng hạt dẻ trên bếp than hoa, ăn bánh lá ngải bột nếp pha tý bột dong riềng, nhân vừng đen ngon tới nỗi phải nhai rất chậm để ngửi hương vị ngải và vừng. Rồi thịt gà núi om với hạt dẻ, cá suối om dưa. Cao Bằng hút khách chính là ẩm thực của hạt dẻ Trùng Khánh.
Lữ khách ăn tinh tế sẽ thấy cái vị hạt dẻ Trùng Khánh khác hẳn hạt dẻ Trung Quốc. Vị hạt dẻ ngọt đậm hơn, vì nhân hạt dẻ màu lông gà con, không trắng như hạt dẻ Trung Quốc. Đó là cách dễ phân biệt của người mới đến Trùng Khánh khi nhìn hạt dẻ. Còn vào mùa xuân, cánh rừng bạt ngàn hạt dẻ đem lại mùa no ấm cho dân bản Khấy ở xã Chí Viễn của huyện lỵ. Bản có 54 hộ dân chỉ chuyên trồng cây dẻ đặc sản. Vào mùa họ thu hoạch cứ 2.000 hạt/cây, nếu cây dẻ có thâm niên sáu năm tuổi. Những cây dẻ đếm hạt này là niềm vui của bản Khấy. Và đặc biệt chợ Trùng Khánh bán hạt dẻ đếm trăm – 60.000 đồng/100 hạt dẻ, khoảng 100.000 đồng/kg. Giá cao gần gấp ba hạt dẻ Trung Quốc, nhưng vẫn hút hàng.
Chinh phục động Ngườm Ngao
Đó là tên gọi hang Hổ trên núi Hổ của người Tày. Chiều dài hang tới 2.114m, có đoạn phải ép bụng, gấp người mới chui qua. Kinh nghiệm đi vào hang Hổ là cứ theo ngọn đèn mà đi. Huyền thoại kể xưa có lữ khách ngồi khóc ở chỗ Đài sen. Nhũ đá trắng quá, không rõ lối đi, hang nhiều ngả, khối kẻ lạc, khối kẻ dở khóc dở cười vì hang động kỳ vĩ quá! Lại có lữ khách sợ “ma”, bây giờ, đào đâu ra ma, mà có người cứ hét lên cho đỡ sợ. Tôi cũng hét tên bạn tôi đi cùng cho lòng mình thấy đỡ hoang vu. Cho lòng mình thấy hổ cũng chẳng đáng sợ, nhưng thấy bóng nhũ đã đổ xuống chân, trong dáng chiều chạng vạng, vẻ cô độc của động Hổ có từ 300 triệu năm trước đã nằm lòng, làm ta sợ chính lòng ta cũng hoang vu như 300 triệu năm.
Trong hang Hổ vẫn có những vệt nước chảy như sương trên nhũ đá trắng, có những tiếng gió như nghe giao hưởng, làm thức giấc, khiến tôi nhớ về tiểu thuyết bất hủ Đồi gió hú của Emily Bronte, chạm tới sự cô độc của con người khi đối mặt với sơn cước.
Những cột đá mờ ảo rêu phong, không có bàn tay của điêu khắc mà nhiều tuyệt tác của đá làm lòng ta chùng xuống. Nhũ đá đẹp quá, cũng khiến người yếu đuối muốn khóc, những con đường như tranh vẽ, có cửa ra ở bản Thuôn, vệt sáng như bước vào cõi tiên, như ta vừa chạm tới thiên đường của kiếp người xưa, huyền diệu.
Ra khỏi hang phải mất hai tiếng đồng hồ, lại leo núi, ghé vào núi Hổ mà xem người Tày nuôi gà nuôi heo và trồng ngô trên vách núi, ngay chân động. Người Tày vừa nấu rượu ngô, vào ngày đẹp trời, bếp ở giữa trời mời khách. Có người mời rượu nhậu với hạt dẻ, nhậu với ngô nếp và ngon hơn nữa là nhậu với món khâu nhục nổi tiếng ở Lạng Sơn.
Một ngày nghe gió trong động Hổ, nếu chọn tĩnh lặng hơn, bạn về với hang Pắc Pó, đi bắt cá suối dọc suối Lê Nin. Đặc sản cá suối nướng bán ở đầu ngọn suối Lê Nin. Đi để tìm lại những thước phim quay chậm trong trí nhớ con người bị bỏ quên, cũng là cần thiết tìm lại ẩn ức, sưởi ấm lòng người. Sưởi ấm lòng người khi nhìn nông dân đốt rạ, cày phơi trên đất, hoang oải sông Quây Sơn, núi Cô Muông thẫm xanh và xa thẳm. Ta sẽ hẹn với chính ta, hãy trở lại Trùng Khánh, để ngước lên núi cao, thác trắng, để vừa đi vừa hét, vừa sợ, khi chân lạc trong động Ngườm Ngao, thử trải nghiệm nỗi sợ hiếm hoi của người miền xuôi ngược lên sơn cước Cao Bằng...
Bài và ảnh: Hoàng Việt Hằng