Những ngày này, hàng loạt cây đào đỏ thắm với nhiều kiểu dáng đã được thương lái tập kết về đua nhau khoe sắc trên dọc trục đường Lạc Long Quân và nhiều tuyến đường ở Hà Nội. Năm nay đào nở hoa sớm sẽ khó chơi bền lâu, vì vậy giá đào bình dân không tăng so với năm trước, dao động từ 700.000- 2 triệu đồng/cây. Riêng đào cao cấp và những cây đào hãm hoa nở tốt sẽ được tăng giá mạnh.
Chúng tôi đến thăm những vườn đào ở xã Phú Thượng, chiêm ngưỡng những cây đào thế tuyệt đẹp, cội cành uốn lượn những hình rồng vô cùng đẹp mắt đang tưng bừng nở hoa. Bác Nguyễn Đức Quế, một nghệ nhân trồng đào ở xóm 1, thôn Phú Gia (Phú Thượng, Hà Nội) cho biết, trồng đào không phải năm nào cũng thu hoạch cả vườn mà phải luân phiên cây. Cây nào năm nay chơi thì năm sau phải cho nghỉ để chăm sóc, tạo dáng. Đào càng lâu năm càng đắt giá. Những khách sành chơi đào, chỉ cần nhìn vào gốc là phân biệt được tuổi của đào. Những cây non bao giờ thân cũng có màu trắng, sau 4-5 năm thân chuyển sang màu xanh rêu. Khi thân chuyển màu đen (khoảng được 7-10 năm tuổi) là có giá nhất.
Bác Quế chia sẻ: “Nhà tôi có những gốc đào hơn 20 năm có người trả 25 triệu nhưng tôi không bán, thường chỉ bán loại cây bình dân. Cây đẹp giữ lại cho thuê với giá 2-3 triệu đồng/ cây cho mỗi mùa Tết, hết Tết thì thu lại gốc để chăm sóc”.
Tiêu chí một cây đào đẹp là cây dăm nụ dày, có lộc, thân đen, tạo dáng đẹp, trong tạo dáng thì mỗi người một kiểu không ai giống ai. Giá bán của cây đào phụ thuộc rất nhiều vào dáng của nó. Để ra được những sản phẩm gọi là kiệt tác người nghệ nhân phải đầu tư rất công phu, có khi phải vắt kiệt cả chất xám.
Thông thường năm nào đào bị non, chưa kịp trổ hoa thì mới đắt. Năm nay đào ra hoa sớm, hai tuần nay lại rét đậm thế này nên không lo thiếu đào. Giá cả năm nay nhìn chung là dễ chịu, giá loại đào bình dân ít có biến động, dao động từ 700.000- 2 triệu đồng/ cây. Tuy nhiên những cây đào đẹp, nhiều nụ lại được hãm tốt, lúc này mới chúm chím thì giá sẽ cao hơn so với năm trước khoảng 10-15%. Để sở hữu mỗi cây đào cao cấp này, khách sẽ phải bỏ ra từ 5 triệu-12 triệu đồng. Những cây lâu năm, dáng đẹp, nhiều nụ có giá lên tới 15-20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Đã thành thông lệ, năm nào gia đình chúng tôi cũng vào vườn để tìm mua đào. Tết năm nay là năm Nhâm Thìn, tôi đang tìm mua cây đào đỏ dáng long cho thêm phần ý nghĩa, kinh tế tuy có khó khăn hơn nhưng ngày tết thì phải có cành đào trong nhà mới có không khí, to hay nhỏ không quan trọng mà tôi thích đào dáng phải đẹp và có nhiều dăm nụ”..
Đào rừng ghép dáng long xà có giá cho thuê là 3 triệu đồng
Năm nay Phú Thượng vẫn nhiều đào vì người dân tận dụng đất của dự án 92ha còn để trống nên nhiều nhà vỡ hoang khai thác. Tuy nhiên, hầu hết người trồng đào nơi đây bày tỏ sự lo lắng rằng năm sau đào Phú Thượng sẽ vắng bóng. Hiện nay, nhiều nghệ nhân trong làng đã phải đi thuê đất ở các vùng lân cận để duy trì nghề cha truyền con nối.
Chúng tôi đến thăm vườn đào nhà anh Nguyễn Văn Hiển, một người vốn dân gốc Phú Thượng đến thuê đất ở xã Đông Ngạc để trồng đào đã vài năm nay. Hiện ở Đông Ngạc, gia đình anh trồng khoảng hơn 1.000 cây trên diện tích 6 mẫu (21.600 m2). Anh Hiển cho biết, mỗi năm anh bán ra thị trường hơn 300 cây, doanh thu khoảng trên 300.000 triệu đồng.
Chiêm ngưỡng vườn đào của anh Hiển, chúng tôi được biết đến nhiều thế, dáng khác nhau: dáng thông (dáng trực), dáng ngũ phúc (kiểu bon sai), dáng long, dáng thác đổ (huyền xà). Cây nào cây nấy đều rất sai nụ, nhiều lộc. Anh Hiển cho biết, những cây này tôi bán buôn tại vườn giá từ 4-5 triệu một cây. Qua tay thương lái, đến với người tiêu dùng giá chênh rất cao, có thể lên đến 7-9 triệu đồng/ cây.
Chỉ vào một cây đào dáng thế lạ lẫm, gốc to đường kính tới 25-30 cm, nhưng các cành thì rất nhỏ, cành nào cũng uốn lượn như thác đổ, tựa như muôn ngàn con rồng đang vươn đầu xuống biển uống nước, anh Hỉền cho biết đây là cây đào rừng ghép mắt đào Nhật Tân. Những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng thích chơi đào rừng ghép. Bởi vậy, người nghệ nhân làng đào phải lên tận Sơn La, tìm mua những gốc đào rừng đẹp, có giá 600.000-700.000 đồng/gốc, sau đó đem về ghép mắt với đào đỏ hoặc đào phai. Ghép mắt cho đào rồi, phải kỳ công uốn tạo dáng sau hơn một năm là ra được thành phẩm, cây đẹp có thể lên tới hơn 10 triệu đồng.
“Nói là giá bình quân nhưng thực ra khi gặp được khách ưng cây thì giá không thành vấn đề. Đặc biệt năm ngoái tôi bán một cây đào rừng ghép phải nói rất đẹp với giá 16 triệu đồng, sau khi qua tay người bán lẻ, có khách đã mua cây này với giá 54 triệu đồng” – anh Hiển chia sẻ.
Theo anh Hiển, trồng được một cây đào như ý không tốn kém nhiều về kinh phí, khâu làm đất, bón phân có thể thuê được, chi phí vật tư phân bón chỉ khoảng 100.000 đồng/gốc. Tuy nhiên phải rất công phu trong khâu uốn dáng tạo hình, vì vậy anh thuê nhiều nhân công chỉ để phục vụ các khâu làm đất, còn các việc tạo thế cây mình tự phải làm hết, lao động thuê về không thế làm được.
Vườn nhà anh Hiển chiếm tới 90% là giống đào đỏ, theo anh Hiển cho biết giống đào bích đã bị thoái hóa. Trong vườn chỉ lác đác vài cây đào phai vì thị hiếu của người miền Bắc chuộng sắc thắm biểu tượng cho may mắn, tài lộc nhiều hơn, đào phai thường chỉ dành cho gia đình trong năm có tang.
Bên cạnh những cây đào rừng ghép, một xu thế chơi đào mới là đào mi ni, dáng nhỏ nhắn rất phù hợp với không gian nhà chung cư, hộ gia đình có diện tích khiêm tốn, gọi là đào mi ni nhưng giá cũng không rẻ chút nào, những cây nhỏ, sắc nét có khi giá cao hơn hẳn những cây to gấp 3-4 lần nó. Giá đào mi ni dao động từ 1-2 triệu đồng/cây.
Anh Hiển cho biết, người mua đào để biếu đã rậm rịch từ đầu tháng Chạp âm lịch, anh đã bán được 50 cây, nhưng người mua để chơi thường phải ngoài 20 tháng Chạp từ các nơi về đây tìm mua mới đông. Cây đào sinh trưởng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời rét đậm nên chọn cây đã có nhiều hoa vì có thể chơi hơn 1 tháng, còn trời ấm nồm nên chọn cây nhiều dăm nụ vì chỉ 1 tuần là hoa sẽ nở hết.
Kinh tế khó khăn, mỗi gia đình có một cách riêng để chi tiêu hợp lý trong dịp lễ tết, tuy nhiên với nhiều gia đình sắc thắm của đào không bao giờ mai một trong phòng khách của mình mỗi độ Tết đến xuân về.
Minh An