Lần đầu tiên, Lars Rasmussen, tác giả và là người chủ trì dự án Google Maps đã tiết lộ lý do vì sao ông bỏ việc và gia nhập nhóm “những người Google” đầu quân cho Facebook.
“Rõ ràng Facebook đã thay đổi cả thế giới, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần làm ở đó”, Rasmussen nói khi giải thích vì sao ông quyết định chấm dứt sự nghiệp 6 năm ở Google sau cuộc nói chuyện mang tính cá nhân với đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. “Tôi nghĩ đó đúng là nơi dành cho tôi”.
Với hơn 500 triệu thành viên trên toàn cầu, Facebook đã trở thành điểm đến nóng nhất của Internet, trong khi Zuckerberg, mới 26 tuổi, đã là tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ.
Rasmussen, đã rời khỏi Google từ hôm thứ Sáu (29/10) vừa qua, sẽ chuyển đến San Francisco để làm việc tại trụ sở của Facebook từ tháng 11. Một đại diện của Facebook cũng đã xác nhận “Rasmussen sẽ tham gia vào nhóm kỹ sư của Facebook để thiết kế ra những công nghệ có tác dụng biến đổi cả thế giới”.
Alan Noble, giám đốc kỹ thuật của Google Australia, nói: “Lars đã có những đóng góp to lớn cho các sản phẩm sáng tạo của Google như Google Maps và Google Wave”.
Từ chối Google Wave – giọt nước tràn ly
Quyết định ra đi của Rasmussen được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Google nói sẽ loại bỏ dự án yêu thích của Rasmussen về Google Wave. Wave đã được đồng sáng lập Sergey Brin của Google ủng hộ khi nó được trình bày vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, dù có nhiều đặc điểm ấn tượng, Wave vẫn không hấp dẫn được toàn thể Google.
Rasmussen cho rằng một khi tính mới lạ bị mai một, công ty sẽ bắt đầu mất đà và mất người sử dụng. “Đó không phải là điều tôi muốn đánh cược cả cuộc đời mình. Tất cả những gì hấp dẫn chúng tôi tạo ra khi lần đầu tiên tiết lộ về dự án đều dựa trên thực tế”, Rasmussen nói. “Tất nhiên, phải mất thời gian để cái mới và cái khác lạ tìm được chỗ đứng, và tôi nghĩ Google đã không kiên nhẫn”.
Rasmussen cùng với 3 anh em của ông đã sáng lập và sau đó bán lại Google Maps cho Google vào năm 2004. Số tiền của thương vụ này không được tiết lộ. Bộ tứ này đã lập nên những gì cốt lõi nhất của nhóm Google Wave. Rasmussen nói một trong những vấn đề khó nhất trong quyết định của ông là phải rời bỏ “những con người siêu, siêu thông minh” trong nhóm Wave và ngôi nhà bên bến cảng của ông ở Sydney.
Rasmussen nói một lý do nữa để ông ra đi là Google đang trở nên quá khó kiểm soát vì quy mô to lớn của “người khổng lồ”. Cùng với đó, ông cũng bình luận về quy mô nhỏ bé của Facebook, giúp dễ dàng gây ảnh hưởng hơn và đưa mọi thứ hoàn thành tốt hơn. Trong khi Google có 25.000 nhân viên, Facebook có khoảng 2.000 người.
“Nguồn năng lượng ở Google quả thực rất đáng kinh ngạc nhưng nó lại rất thách thức để làm việc trong một công ty quy mô cỡ như Google”, Rasmussen nói.
“Hội” những người Google chạy sang Facebook
Năm ngoái, Douglas Bowman - nhà thiết kế nổi tiếng của Google cũng đã ra đi. Ông đã phàn nàn trong một blog rằng công ty trở nên quá ám ảnh với những dữ liệu và các chi tiết vụn vặt. “Gần đây, tôi đã phải tranh luận về việc đường viền nên đề 3, 4 hay 5 pixel và bị yêu cầu phải giải trình lý do. Tôi không thể hoạt động trong một môi trường như thế được”, Bowman than phiền.
Rasmussen nói ông sẽ lại làm việc với 2 cựu đồng nghiệp Google. Đó là giám đốc công nghệ Facebook, ông Bret Taylor và nhà quản lý nền tảng, Carl Sjogreen.
Taylor đã làm việc với Rasmussen về dự án Google Maps trong những ngày đầu tiên, và Sjogreen, cũng ở Sydney, đã làm việc với cả hai dự án Google Maps và Wave. Sjogreen đã tham gia Facebook vào tháng trước sau khi Facebook mua lại trang du lịch xã hội Nextstop.com của ông.
“Một phần lý do tôi đến với Facebook là ở đó có những con người đặc biệt từng làm việc cho Google trước đây. Đó là những người tôi rất thích làm việc cùng và thật thú vị là nay họ cũng có mặt ở Facebook”, Rasmussen nói.
Rasmussen, cùng với Bret Taylor và Carl Sjogreen là một phần của cộng đồng các “cựu Google” (thậm chí cộng đồng này còn có tên gọi hẳn hoi là “Xooglers”) tại Facebook. Ước tính có tới 20% nhân sự của Facebook từng làm việc cho Google.
Những “cựu Google” điển hình khác có thể kể đến là giám đốc điều hành Sheryl Sandberg; kiến trúc sư Matthew Papakipos của Google Chrome; Erick Tseng, người quản lý sản phẩm Android. Ngay cả giám đốc điều hành một thời của Google là Josef Desimone cũng đã có mặt tại trụ sở Palo Alto của Facebook.
Ngoài ra, còn một lý do nữa để các Xooglers nhận lời mời của Facebook là “nó quá tốt nên không thể chối từ”. Rasmussen nói rằng đề nghị của Facebook “hấp dẫn cả về tài chính lẫn công việc”.
Mặc dù ông không tiết lộ chi tiết, song những công ty mới 6 tuổi đời như Facebook sẽ cung cấp cho nhân viên mới các lựa chọn về quyền mua cổ phần. Dựa trên những đánh giá hiện tại, Facebook giá trị hơn 30 tỷ USD, và khi công ty niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch, những quyền chọn mua này có thể biến nhiều nhân viên của họ trở thành các tỷ phú.
Bảo Bình
(Theo SMH )