Tại Trung Quốc, Lý Ngạn Hoành (Robin Li) được giới trẻ hâm mộ chẳng khác gì ngôi sao giải trí. Baidu hiện chiếm 73% thị trường Internet Trung Quốc, nơi có tỉ lệ người sử dụng nhiều nhất thế giới, với vốn thị trường đứng thứ năm thế giới (38,3 tỉ USD).
Từ buổi gặp cơ duyên
Là người thứ tư trong gia đình năm con với bố mẹ chỉ là công nhân nhà máy tại Dương Tuyền (Sơn Tây), Lý Ngạn Hoành lấy bằng cử nhân ĐH Bắc Kinh năm 1991, rồi bằng thạc sĩ khoa học máy tính ĐH công New York năm 1994. Sau khi tốt nghiệp, Lý làm việc tại IDD Information Services (chi nhánh Tập đoàn Dow Jones tại New Jersey), nơi anh phát triển một chương trình phần mềm cho phiên bản điện tử của tờ Wall Street Journal, đồng thời nghiên cứu thuật toán cho công cụ tìm kiếm. Năm 1996, Lý phát triển thuật toán RankDex và giành được bằng sáng chế Hoa Kỳ.
Theo nhận định của Gene Munster - nhà phân tích thuộc Ngân hàng đầu tư Piper Jaffray (Mỹ), Baidu “có một doanh nghiệp hoạt động tốt nhất thế giới, với lợi nhuận khổng lồ và tăng trưởng vượt bậc nhờ tỉ lệ người sử dụng Internet tại Trung Quốc cũng như ủng hộ từ chính phủ...”. Từ tháng 1 đến tháng 11-2010, giá cổ phiếu Baidu tăng hơn gấp đôi. Business Week (15-11-2010) cho biết Baidu hiện lớn hơn 57% so với Yahoo!.
|
Cuối thập niên 1990, khi cơn sốt công cụ tìm kiếm bắt đầu bùng nổ, một cơ duyên đã giúp Lý tập trung đầu tư vào việc khai sinh Baidu. Năm 1998, khi còn là đại diện bán hàng cho một công ty kỹ thuật hóa sinh Mỹ, Từ Dũng (Eric Xu, sau này là người đồng sáng lập Baidu) thực hiện một phim tài liệu về văn hóa sáng tạo của Mỹ với sự giúp đỡ của nhà làm phim tài liệu người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng Dương Tử Diệp (Ruby Yang). Trong tiến trình quay phim, Từ Dũng phỏng vấn nhiều gương mặt tên tuổi, trong đó có Dương Trí Viễn (Jerry Yang, người Đài Loan đồng sáng lập Yahoo!).
Trong buổi hẹn với Dương, Từ Dũng rủ theo người bạn Lý Ngạn Hoành. Chính từ buổi gặp họ Dương đã khiến Lý Ngạn Hoành nghĩ đến việc thành lập một website tìm kiếm riêng cho thị trường Trung Quốc. Ý tưởng của anh được vợ ủng hộ mạnh mẽ.
Để tìm vốn, vợ chồng Lý đến gặp Bob King, nhà đầu tư từng bỏ vốn vào Oracle và Intel. Với số vốn “hạt giống” từ nhóm của Bob King, Từ Dũng và Lý để hai cô vợ ở lại Mỹ và trở về Hoa lục, sống trong một phòng nhỏ ở khách sạn gần ĐH Bắc Kinh. Làm việc 15 giờ/ngày, hai người mày mò nghiên cứu kỹ thuật lập ra cỗ máy tìm kiếm. Cuối năm đó, họ được đầu tư thêm 10 triệu USD từ IDG và ePlanet Ventures...
Thoạt đầu, Baidu chưa đủ tự tin lập website riêng mà phải “thuê nhà” khi tá túc trên Sina.com và Sohu.com, và kiếm tiền bằng cách tính phí với “chủ nhà” mỗi khi một người sử dụng thực hiện cuộc tìm kiếm. Thời gian sau, quan hệ trở nên xích mích, đặc biệt khi Sina.com và Sohu.com bắt đầu tiếc rẻ nhận thấy khoản phí Baidu.com thu được ngày càng bộn. Sina hoãn trả tiền cho Baidu và đòi tái thương lượng. Cuối cùng, Lý quyết định tách khỏi Sina lẫn Sohu và lập website riêng. Trần Thành Cẩm (Finian Tan), một đối tác tại ePlanet Ventures, tỏ ra lo lắng cho kế hoạch phiêu lưu “một mình một ngựa” của Lý đến nỗi liên hệ với Dương Trí Viễn và đề nghị Yahoo! mua lại Baidu.com với giá 40 triệu USD. Trong khi đó, Lý vẫn quyết tâm phát triển Baidu.
Năm 2004, Baidu bắt đầu thu tiền từ các công ty muốn đăng quảng cáo để được xuất hiện ưu tiên trong danh sách kết quả tìm kiếm. Thế là Baidu dần bành trướng, cùng với đà tăng tỉ lệ người sử dụng Internet tại Trung Quốc. Cũng trong năm đó, Google góp thêm 5 triệu USD cho vòng góp vốn thứ ba (tổng cộng 15 triệu USD), giúp Baidu thêm vững vàng về tài chính (thật ra đó là “âm mưu” của Google trong kế hoạch thâu tóm Baidu, dù Google đã thâm nhập sâu vào Trung Quốc với phiên bản tiếng Hoa đưa ra từ năm 2000 nhưng bất thành).
Hạ gục Google
Ngay từ đầu, Baidu và Google đã chẳng tin nhau. Cuối năm 2004, khi Sergey Brin và Larry Page (hai người sáng lập Google) chuẩn bị đến văn phòng Baidu trong chuyến ghé thăm Trung Quốc, nhóm viên chức Baidu đã xếp lịch gặp trùng một ngày quốc lễ khi nhân viên nghỉ làm để sếp Google không biết Baidu có bao nhiêu kỹ thuật viên và thực lực như thế nào! Tháng 7-2005, khi Baidu lên sàn chứng khoán Trung Quốc, các đề nghị liên tục gọi đến.
Chi tiết những đề nghị này chưa bao giờ được Baidu chính thức công bố, nhưng các nguồn tin cho biết trong số người đề nghị hùn hạp có Masayoshi Son (sáng lập viên SoftBank) với 100 triệu USD; Yahoo! và Microsoft đề nghị mua lại với giá nhỉnh hơn 1 tỉ USD, trong khi Google cuối cùng mặc cả với 1,6 tỉ USD.
Trước cái giá quá hời, ban giám đốc Baidu bắt đầu chia rẽ giữa đề nghị bán và ý kiến giữ lại. Đó là thời điểm căng thẳng đối với Lý Ngạn Hoành khi cố thuyết phục cổ đông giữ lại Baidu. Đến khi cổ phiếu Baidu bán đắt như tôm tươi trên thị trường chứng khoán Nasdaq (New York), phe đòi bán mới bắt đầu nhượng bộ.
Google phản ứng trước sự bành trướng Baidu bằng việc thuê chuyên gia máy tính nổi tiếng Lý Khai Phục (Lee Kai Fu) từ Microsoft và mở một trung tâm nghiên cứu phát triển tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, Google vẫn không thể địch lại Baidu, khi Baidu được “người nhà” ủng hộ và đặc biệt khi Google liên tục bị “chơi” (người sử dụng gõ Google.cn sẽ được dẫn tức thì đến trang Baidu.com). Tháng 11-2009, lúc Lý Khai Phục tuyên bố rời Google để thành lập công ty web riêng, cùng với loạt đòn “tra tấn” của tin tặc, Google hiểu rằng cuộc chiến của họ với Baidu đã ngã ngũ.
Không chỉ là trang web tìm kiếm, Baidu đã phát triển thành một công ty Internet khổng lồ. Chỉ riêng công cụ tìm kiếm, Baidu hiện có một thư mục với hơn 740 triệu trang web, 80 triệu hình ảnh, 10 triệu tập tin đa phương tiện, theo Wikipedia. Ngoài ra, còn có Baidu Map (bản đồ), Baidu News (tin tức), Baidu Knows (chia sẻ kiến thức), Baidu MP3 Search (tìm kiếm file nhạc), Baidu Space (trang mạng xã hội), Baidu Encyclopedia, Baidu Dictionary, Baidu Youa (mua sắm trực tuyến)...
Nhưng Lý Ngạn Hoành chưa dừng lại. Mục tiêu tương lai là thị trường game, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử... và “xuất khẩu” Baidu. Lý cho biết một nhóm chuyên gia đang dịch website Baidu sang hơn 10 ngôn ngữ và “tôi hi vọng trong 10 năm nữa, Baidu sẽ trở thành cái tên quen thuộc của 50% thế giới”.
Việt Nam: loay hoay tìm kiếm công cụ
Trong một thập niên khi Lý Ngạn Hoành tung hoành với Baidu, thị trường công cụ tìm kiếm ở Việt Nam vẫn loay hoay trước Google cùng Yahoo! trên sân nhà, kể từ khi Vinaseek, công cụ tìm kiếm tiếng Việt đầu tiên ra mắt năm 2001. Cuối năm 2007, Monava.vn ra đời nhen nhóm lên hi vọng, nhưng rồi nay “Google của Việt Nam” này đã biến mất không kèn không trống.
Năm 2008, Công ty cổ phần truyền thông Tinh Vân tung ra Xalo.vn. Tuy nhiên, website này được thiết kế như một cổng thông tin hơn là một trang web tìm kiếm. Trong khi đó, Baamboo.com thuộc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam chỉ giới thiệu nhạc, phim và dịch vụ tra từ.
Một website tìm kiếm khác là Socbay.com từng được Google ngã giá mua (theo tác giả Rebecca Fannin thuật trên Forbes ngày 9-12-2009). Ông Nguyễn Xuân Tài, tổng giám đốc Naiscorp, chủ đầu tư Socbay.com, từng nói rằng so với các trang web tìm kiếm như Yahoo! hay Google, “khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của Socbay.com tốt hơn nên có thể trả kết quả tìm kiếm tiếng Việt có dấu tốt hơn”. Tuy nhiên, trong một thử nghiệm ngày 1-12-2010 trên News.google.com.vn và Socbay.com với cụm từ khóa “Giảm giá cước điện thoại”, kết quả cho thấy thật khác biệt.
Trong khi kết quả đầu tiên của Google là bài báo “Đua khuyến mãi: Nhà mạng lãi to, người dùng thiệt nặng” đăng trên Cand.com ngày 28-11-2010; kết quả đầu tiên của Socbay là bài báo “Giảm giá cước điện thoại di động: Cuộc đua của các đại gia”, đăng trên Sggp.org.vn ngày 11-7-2009 (!).
|
MẠNH KIM