Từng là một nhà khoa học làm cho Nhà nước ra làm riêng, ông Đỗ Quang Hiển đã có những bước đi khôn khéo để đi đến thành công.
Ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đồng thời đang nắm trong tay 1 số câu lạc bộ bóng đá. Có thể nói, ông đang cùng lúc đá trên nhiều sân khác nhau và không sân nào là đơn giản.
Buôn từ đồ điện tử đến xe máy
Bầu Hiển, như cách gọi thân quen gắn với ông chủ 2 đội bóng đang thi đấu tại V-League là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, là người có ý chí làm giàu và tầm nhìn dài hạn. Điều đó được thể hiện qua danh mục đầu tư đa dạng hiện nay của ông, và trên con đường lập nghiệp mà ông đã đi. Bầu Hiển vốn không phải là dân kinh doanh, ông là kỹ sư vật lý của Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia và từng làm việc tại Xí nghiệp Sửa chữa Máy thu hình thuộc Đài phát thanh Hà Nội từ năm 1984-1987. Giai đoạn 1978 - 1988, ông làm tại Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel).
Năm 1993, ông rời bỏ công việc của một cán bộ khoa học Nhà nước, bỏ luôn chiếc phao biên chế đang là niềm ao ước của nhiều người lúc đó để ra làm ăn riêng. Khởi đầu, ông đi buôn đồ điện tử, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh trên con phố điện tử Hai Bà Trưng (Hà Nội). Một người từng làm ăn với ông thời kỳ đó kể, ông Hiển thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy trong kinh doanh khi bán các sản phẩm điện tử của các hãng nổi tiếng như Panasonic, National. Thời gian rảnh, ông chơi cờ, đi uống bia hơi, một trong những sở thích lớn nhất của ông.
Nhưng thời gian này không kéo dài lâu, bởi ông Hiển muốn làm ăn lớn hơn. Vào thời điểm những năm 1999 - 2000, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy. Theo tính toán của ông, xe máy là phương tiện đi lại tiện dụng nhất, đồng thời là tài sản lớn của hầu hết người Việt Nam. Trong khi đó, thị trường xe máy dù còn rất nhiều tiềm năng song lại có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia, chỉ có các hãng xe Nhật làm mưa làm gió.
Nhà máy sản xuất động cơ xe máy của ông Hiển được xây dựng với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD vào năm 2000. Sản phẩm xe máy do T&T sản xuất được tung ra thị trường năm 2003, có tỉ lệ nội địa hóa 90% nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/3 xe ngoại. Đánh trúng vào phân khúc xe máy bình dân tại các vùng quê, xe máy T&T làm đến đâu bán hết đến đó. Sản phẩm này được xuất khẩu sang thị trường châu Phi, với doanh thu xuất khẩu khoảng 5 triệu USD/năm trong giai đoạn đó.
Lấn sân sang ngân hàng, bất động sản
Bầu Hiển nhảy vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng năm 2007 khi ông mua lại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, có trụ sở tại Cần Thơ. Hồi đó, bầu Hiển tình cờ gặp một người bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng. Chính người này đã dắt tay bầu Hiển đến với ông chủ của Ngân hàng Nhơn Ái. Việc đàm phán diễn ra nhanh gọn, bầu Hiển chính thức mua lại ngân hàng này. Ông đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), và trở thành cổ đông sáng lập đồng thời nắm cổ phần lớn nhất.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của SHB, đồng thời lại là Chủ tịch Tập đoàn T&T, bầu Hiển chỉ đạo T&T tham gia góp vốn thành lập Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) và Công ty Bảo hiểm SHB -Vinacomin (SVIC, góp vốn với Tập đoàn Than - Khoáng sản).
Đầu tư đa ngành vào nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp đến thể thao, bầu Hiển không tránh được những thương vụ thất bại. Một trong số đó là việc bầu Hiển gánh khoản lỗ lên tới 40 tỉ đồng vào những năm 1995-1996. Thời điểm đó, Đỗ Quang Hiển vẫn còn buôn bán đồ điện tử, điện lạnh. Công việc làm ăn suôn sẻ, lại thấy còn nhiều cơ hội, ông tiếp tục bỏ vốn mua thêm sản phẩm về cất trong kho để bán tiếp. Tuy nhiên, số hàng này không thể cạnh tranh nổi với hàng lậu, và hệ quả là bầu Hiển thua, chịu số nợ rất lớn lúc đó. Trong tổng số nợ 40 tỉ đồng, có 7 tỉ tiền thuế nhập khẩu và trên 30 tỉ đồng nằm trong kho. Đáo hạn ngân hàng, lại phải đối mặt với cơ quan thuế, bầu Hiển bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Giải pháp ông đưa ra là chấp nhận để cho nhân viên ra đi còn ông và những người ở lại tiếp tục bám trụ quyết tâm bán hết hàng tồn. Sau một năm, lượng hàng này cũng bán hết và khó khăn qua đi.
Trong lĩnh vực ngân hàng, SHB hiện vẫn là ngân hàng thuộc nhóm nhỏ. Vốn điều lệ của SHB hiện khoảng trên 4.000 tỉ đồng và đã niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, một lợi thế của SHB là có hoạt động khá ổn định sau khi ký kết các hợp đồng hợp tác chiến lược toàn diện với 2 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Các sự kiện này được giới đầu tư đánh giá là bước đi khôn ngoan của bầu Hiển khi biết dựa vào 2 tập đoàn Nhà nước có nguồn vốn, quỹ đất lớn và nhiều ưu đãi khác. Thực tế trong những năm qua, SHB đã cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn đối với các công ty thành viên cũng như các dự án của hai tập đoàn này. Tuy vậy, chưa có số liệu báo cáo tài chính công khai về việc trả nợ các khoản vay này.
Một điểm đáng lưu ý nữa trong cơ cấu hoạt động của SHB mà ông Hiển làm chủ, là khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng may mặc, đồ da, thủ công mỹ nghệ, điện tử viễn thông… là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế và cũng đóng góp tỉ trọng không nhỏ vào tổng sản phẩm quốc nội. Do đó, việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp này thoát khỏi khủng hoảng là một điều cần thiết. SHB có khá nhiều sản phẩm dịch vụ song nguồn thu nhập chủ yếu vẫn là từ lãi tiền gửi. Nhiều sản phẩm dịch vụ khác của SHB họat động vẫn còn kém hiệu quả. Nhưng thu nhập của SHB vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm.
Bầu Hiển đã đặt ra mục tiêu phát triển SHB và T&T thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực. Tuy nhiên, điều này không dễ vì SHB vẫn là một ngân hàng có quy mô nhỏ trên thị trường, các sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh không cao và không có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng lớn.
Đáng lưu ý là với tư cách Chủ tịch của cả T&T lẫn SHB, bầu Hiển đã có những khoản đầu tư rất lớn vào bất động sản. Một trong số đó là khoản đầu tư vào năm 2008 của T&T Land bằng nguồn vốn được rót từ SHB để góp vốn với Công ty Âu Lạc thành lập Công ty Cổ phần Hồng Việt. Công ty này đầu tư vào dự án rộng 254 héc ta tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.
Làm bóng đá không chỉ là đam mê
Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009. Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào. Tên tuổi ông cũng gắn với danh hiệu vô địch V-League 2010 của Hà Nội T&T. Đã hơn 1 lần, bầu Hiển phát biểu trên báo chí rằng, ông đầu tư vào bóng đá là vì đam mê với trái bóng tròn. Sau gần 5 năm dấn thân vào bóng đá, tổng số vốn bầu Hiển đã bỏ ra nhưng chưa thu được lãi lên tới 70 tỉ đồng. Đó là chưa kể những khoản tiền thưởng nóng nhiều khi hoàn toàn do ngẫu hứng và bằng tiền túi của ông cho các cầu thủ ngôi sao như Công Vinh hồi còn ở Hà Nội T&T, hay Huấn luyện viên câu lạc bộ này ngày trước là Triệu Quang Hà.
Tuy vậy, có thể nhận ra ông Hiển không bỏ tiền ra chỉ để mua vui. Một ví dụ là việc ông mua lại Câu lạc bộ Bóng đá SHB Đà Nẵng cũng được đổi lại bằng khu đất rộng hàng nghìn mét vuông tại Tuyên Sơn, Đà Nẵng với sổ đỏ đã được sang tên cho T&T.
Theo NCĐT