Vậy những người trồng đào Nhật Tân có bí quyết gì để có được cây đào đẹp và điều khiển việc ra hoa của cây theo biến đổi của thời tiết như thế?
Và rồi một sự tình cờ may mắn đã đến với tôi. Số là một lần tôi mua lại mảnh vườn trồng đào của một gia đình có nghề trồng đào ở Nhật Tân. Trước khi mua đất, tôi có nói với ông chủ vườn:
- Tôi thấy đào của ông rất đẹp nhưng tôi lại chưa trồng đào bao giờ. Vậy tôi làm thế nào để trồng được cây đào như của ông?
Ông chủ vườn vui vẻ đáp:
- Bác cứ yên tâm. Sau khi bác có đất trong tay, em sẽ giúp bác nắm được bí quyết của nghề trồng đào.
Nghe vậy tôi như mở cờ trong bụng. Sau khi giao đất lại cho tôi, chủ vườn giữ đúng lời hứa giúp tôi bước vào nghề trồng đào. Thì ra để có được cây đào đẹp không hề đơn giản. Đầu tiên ông chủ phải chờ đến mùa xuân cất công lên tận miền rừng núi xa xôi để tìm được những cây đào rừng có gốc đẹp và khoẻ. Những cây này thường phải 3-4 tuổi trở lên. Tất cả những cây đánh về phải giữ được bầu đất của nó rồi cho lên xe chở về.
Nhìn những cây đào rừng gốc nom đẹp thì có đẹp nhưng cành lá cứ thẳng băng, hoa lại ít và màu rất nhạt, tôi hỏi ông chủ với giọng không giấu nổi thất vọng :
- Cây đào như thế này làm sao cho tán cây tròn trịa, hoa mầu hồng tươi nở chi chít như cây trong vườn của ông được?
Ông chủ cười đáp:
- Bác cứ xem em làm rồi sẽ biết.
Tôi để ý thấy trước khi trồng đào, ông chủ làm đất rất kỹ cho tơi xốp và bón phân hữu cơ đã ủ hoai rồi mới đem trồng. Ông chủ tỉa bớt cành lá, tưới nước cho cây và đất rồi dặn:
- Hàng ngày anh nhớ tưới cho các cây trong vườn nhé! Sang năm tôi sẽ quay lại.
Tôi tưởng mọi chuyện thế là ổn nên làm đúng theo lời ông chủ dặn và nóng lòng chờ đợi ngày cây đào ra hoa.
Ảnh minh họa (internet)
Một năm trôi qua, ông chủ vườn đã trở lại và bảo tôi:
- Hôm nay chúng ta sẽ tiến hành ghép cây giữa đào rừng và đào nhà.
- Để làm gì vậy hả ông? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Đào rừng chỉ lấy gốc nuôi cây, còn muốn có cành và hoa đẹp, phải ghép với đào nhà mới được.
Nói rồi ông mở một gói nhỏ trong có đầy mắt cây và giảng giải:
- Đây là mắt ghép lấy từ cây đào nhà. Mắt này phải lấy ở những cây khoẻ mạnh, hoa đẹp thì mới tốt.
Với bàn tay thành thạo, ông ghép một loạt cây trong vườn tôi rất nhanh rồi dặn dò cách chăm sóc. Tôi làm theo ông thì thấy cây ghép phát triển rất tốt và ra cành có tán rất tròn và đẹp đúng như tôi mong ước. Có điều là tôi vẫn thắc mắc không hiểu ông chủ điều khiển ra hoa như thế nào.
Một hôm vào trước tết chừng hai tháng ông chủ đất bỗng đột ngột trở lại nhà tôi. Sau khi thăm vườn, ông dùng một con dao khoanh một vòng quanh phần vỏ ở gần gốc cây. Tôi tò mò hỏi ông:
- Ông làm như vây để làm gì?
Ông chủ giải thích:
- Làm như vậy nhằm giảm nhựa cung cấp cho cây để cho đào rụng bớt lá đồng thời kích thích cho việc ra hoa, giúp cho đào ra hoa nhiều.
Tôi tưởng thế đã xong. Nào ngờ đến khoảng non một tháng trước tết, ông chủ lại có mặt tại khu vườn của tôi để kiểm tra. Lần này ông không chỉ quan sát các cây đào mà còn chú ý cả dự đoán thời tiết tết nữa. Từ đó ông lại tiến hành khoanh vỏ cây một lần thứ hai. Lần này ông làm có vẻ tỉ mỉ và lâu hơn. Vừa làm ông vừa nói với tôi:
- Khoanh đào lần này rất quan trọng. Tuỳ theo thời tiết và sinh trưởng của cây mà khoanh vỏ cây nhiều hay ít, nặng hay nhẹ tay. Từ đó có thể khống chế hoa nở đúng vào dịp tết. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm của người trồng đào.
Bấy giờ tôi mới thấm thía câu nói xưa: “ Nghề chơi cũng lắm công phu”.
Tết năm đó, vườn đào của tôi đã có rất nhiều cây có dáng đẹp, tán tròn đầy và điều quan trọng là hoa nở đúng vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Nhìn cây tôi lại nhớ đến công ơn của ông chủ vườn tốt bụng.
Trên đây là một vài bí quyết về nghề trồng đào Nhật Tân mà tôi muốn chia sẻ với các bạn yêu hoa đào và muốn có những cây đào đẹp trong vườn nhà mình nở đúng dịp tết như mong muốn. Chúc các bạn thành công.
Thành Long