Lấy đất nông lâm nghiệp làm sân golf
Theo kết quả kiểm tra, hiện có 90 sân golf ở 34 tỉnh, thành phố, đều nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt (trước quy hoạch đã loại bỏ 76 dự án sân golf). Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có nhiều sân golf nhất: 29; vùng Đông Nam bộ có 21 dự án và đồng bằng sông Hồng có 17 dự án… Tuy nhiên, thực tế mới có 24 sân golf đang có người chơi, số còn lại mới được cấp phép, có năm sân golf bị đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch. Ngoài 90 dự án sân golf trên, còn có 27 dự án sân golf (thuộc 13 tỉnh) được cấp nằm ngoài quy hoạch được duyệt.
Nhiều dự án sân golf đã lấy đất “bờ xôi ruộng mật” như: 59/90 dự án sân golf đã có quyết định thu hồi 15.653ha đất, trong đó có 6.397ha đất nông nghiệp (chiếm 41%), đất lâm nghiệp có rừng (17%) cũng được dọn dẹp để làm sân golf.
Thực chất để kinh doanh bất động sản?
Trong số diện tích đất quy hoạch làm sân golf, các chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại… với tỷ lệ chiếm đến 51%. Qua kiểm tra cho thấy: có ba dự án thực hiện xong việc xây dựng nhà ở, biệt thự để bán với diện tích 304ha (chiếm 23% diện tích quy hoạch làm nhà ở); chỉ có 13/59 chủ đầu tư (22%) sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích bàn giao, xây dựng đúng các hạng mục công trình theo dự án, quy hoạch được duyệt; 46 chủ đầu tư (78%) có những vi phạm như: sử dụng đất không đúng hồ sơ; làm sân golf khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt; đất được giao nhưng không sử dụng; chưa ký hợp đồng thuê đất; chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định…
Điều đáng chú ý là, trong số 90 dự án sân golf, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf với kinh doanh bất động sản, du lịch. Có những dự án chiếm diện tích đất rất lớn như: dự án Tam Nông (Phú Thọ) có 2.069ha, nhưng diện tích sân golf chỉ có 171,6ha; dự án khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) được cấp 2.042ha đất, nhưng diện tích sân golf có 143,4ha; sân golf 18 lỗ ở Cam Ranh, Khánh Hoà có diện tích 1.520ha, nhưng chỉ có 134ha đất làm sân golf... Do đó, theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, hiệu quả của các dự án sân golf chủ yếu là kinh doanh bất động sản (bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án) và bán thẻ hội viên. Còn nếu kinh doanh chỉ trông vào thu phí chơi golf, trung bình 100 USD/lượt, thì các chủ đầu tư lỗ cầm chắc.
Ba phương án quy hoạch sân golf
Mặc dù có những đánh giá như trên về thực hiện quy hoạch sân golf, nhưng trong báo cáo kết quả kiểm tra liên ngành, bộ Kế hoạch và đầu tư lại đưa ra ba phương án về quy hoạch sân golf. Theo đó, phương án 1, bộ này đề nghị giữ nguyên số lượng sân golf, trong đó rút khỏi danh mục hiện có năm sân (do để tình trạng quy hoạch treo hoặc phải chuyển đổi mục đích đầu tư), bổ sung thêm năm sân khác đạt yêu cầu. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, phương án này sẽ khiến “ít gây dư luận có nhiều sân golf” vì số lượng sân golf không tăng, nhưng hàng năm vẫn phải bổ sung thêm sân golf do… vẫn có nhiều địa phương xin bổ sung. Do đó, bộ này đề nghị bổ sung thêm một số sân golf trong phương án 2 với dự kiến đến năm 2020, tổng số sân golf tăng thêm sáu dự án (thành 96 dự án). Phương án 3 được đề nghị quy hoạch đến năm 2020 là 118 sân golf, gồm 85 sân trong quy hoạch, bổ sung thêm 33 sân golf nằm ngoài danh mục quy hoạch.
Trong ba phương án này, theo bộ Kế hoạch và đầu tư, phương án 3 có ưu điểm: quy hoạch sân golf ổn định và tương đương với số sân golf của các nước láng giềng như: Singapore (15 sân), Campuchia (bốn), Lào (năm),… mà chẳng đưa ra một nhược điểm nào cho phương án này, cho dù với số sân golf tăng thêm ấy, còn tốn khá nhiều đất để cho các chủ đầu tư, theo thói quen, chủ yếu lại kinh doanh bất động sản.
Mạnh Quân