Khí trời mát mẻ ở đây làm tôi nhớ tới Đà Lạt, nhưng những hàng cổ thụ to, những hồ nước lớn và đàn bồ câu hiền lành làm tôi liên tưởng tới Hà Nội. Và trong những bờ hào chạy dọc theo phố, tôi thấy bóng dáng Cổ Loa hay nội đô ở Huế.
Chiang Mai từng là thủ đô của vương quốc cổ Lannathai. Dấu vết của thành cổ nằm ở những vòng thành còn lưu lại đến ngày nay, bên ngoài bờ thành có một đường hào bao quanh. Chiang Mai là một thành phố cổ! Nhưng trong tiếng Thái, chữ «Mai» lại có nghĩa là mới, Chiang Mai là một thành phố mới!
Tôi thấy cái mới đó trong nhịp sống đang nhanh dần lên của một ngày mới, trong tiếng chặt gà rất nhanh và đều tay của một bác ở chợ, trong tiếng ding dong mở cửa của một cửa hàng. Người Thái vẫn tự hào Chiang Mai là đóa hoa phương Bắc của họ. Cứ mỗi khi nắng lên, nó lại thức dậy, tươi tắn và căng tràn nhựa sống.
Thái Lan là đất nước của màu vàng, những cây nữ hoàng vàng rực, chùa chiền, miếu mạo được sơn vàng; những chiếc chuông cầu an và bùa may mắn có màu vàng bình yên. Tôi không hiểu những dòng chữ loằn ngoằng này có nghĩa là gì, nhưng tôi biết đây là lời chúc tốt lành của người Chiang Mai dành cho vị vua đáng kính của họ nhân dịp ông tròn 84 tuổi.
Tôi lạc bước vào một ngôi đền, đang có một vị sư và hai người bản địa ngồi nói chuyện. Tôi lễ phép hỏi (bằng điệu bộ) có được chụp hình ở đây không, họ cười, đưa tay ra hiệu "được phép". Chụp xong, tôi hỏi đường đến ga xe lửa. Tôi cố gắng giải thích bằng tay, chân, điệu bộ nhưng họ không hiểu, cuối cùng, tôi đành lấy "bùa cứu mạng" trong túi ra. Đó là một mẩu giấy ghi 3 chữ "ga xe lửa" bằng tiếng Thái mà người chủ khách sạn nơi tôi trọ đã cẩn thận ghi cho tôi sáng nay.
Hiểu ra, họ cười rất tươi, bàn tán xì xà xì xồ với nhau rồi một người đi lấy xe máy, ra hiệu cho tôi leo lên để chở đi. Thấy tôi còn đứng ngây ra, ông sư có vẻ khá tiếng Anh nhất, chỉ vào chiếc xe và xổ một tràng cả tiếng Anh lẫn Thái, tôi nghe được mấy chữ "Take you there" và "Free". Vậy là được một cuốc đi nhờ!
Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp quảng cáo về du lịch Thái trên những kênh truyền hình quốc tế như Star World, Channel V, tôi tự nhủ họ marketing rầm rộ như vậy, thảo nào hút khách du lịch. Nhưng giờ thì tôi biết, chính tấm lòng của người Thái mới là những công cụ "quảng cáo" hữu hiệu nhất cho nền công nghiệp không khói của họ, mới là cái níu chân du khách. Nó như là một thứ văn hóa, hiện diện ở mọi nơi du khách đi qua.
|
Hồ nước mùa đông. Ảnh: Diệu Vũ. |
Cái văn hóa đó tôi còn gặp lại ở những người bán quần áo dễ chịu ở khu Sukhumvit, anh bán nước dưới gầm ga Phrom Phong, cái hôm tôi bị đau họng mà trời thì nắng quá, tôi đòi mua nước đá nhưng anh ta không chịu, bán cho tôi một cốc chanh nóng ít đường; hai vợ chồng trung niên tôi gặp trước sở thú Chiang Mai, tôi nhờ họ chụp hình giùm, họ vui vẻ nhận lời rồi thay nhau chụp hình kỷ niệm với tôi.
Bỗng nhận ra tôi yêu cái văn hóa đó lúc nào không biết, thấy mình được làm một phần của cái dòng chảy cuộc sống nơi đây, yêu nụ cười mặn mà rất Thái, yêu cái chắp tay chào đầu hơi cúi mà tôi cảm thấy nó xuất phát từ tận trong trái tim...
Tôi tranh thủ đón chuyến tàu đêm Chiang Mai - Bangkok để có thêm một ngày nữa ở Bangkok. Hẳn là tôi đã buồn và nuối tiếc Chiang Mai lắm nếu không có John, anh bạn "Tây ba lô" người Phần Lan ngồi cạnh tôi trên chuyến tàu. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những ngày ở Chiang Mai rồi cùng xem hình. Giọng kể của John, nụ cười và ánh mắt của các thiếu nữ Chiang Mai tôi gặp ban chiều nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ của tôi, vội vã, chập chờn...
Nguyễn Diệu Vũ