* Nhà bác học Pasteur nói rằng “Một bữa ăn không có rượu vang giống như một ngày không có nắng”
Trở thành tín đồ của rượu vang từ khi rời trường trung học, nhưng chặng đường chuyển sang kinh doanh rượu vang ở Việt Nam của Jim Cawood lại là cả một câu chuyện dài.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra ngay tại hầm rượu của anh, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1991, một người bạn của tôi đi du lịch Việt Nam. Anh ấy thích lắm, đã quay lại mấy lần rồi. Những câu chuyện anh ấy kể về đất nước các bạn khiến tôi rất tò mò. Năm 1993, tôi muốn đi Việt Nam, nhưng không dành dụm đủ tiền. Mãi đến năm 1999, tôi và bạn gái của tôi (nay là bà xã) mới đến Việt Nam lần đầu tiên. Đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi một tháng trước khi chúng tôi bắt đầu công việc mới ở Ireland.
Sau một năm rưỡi làm việc ở Ireland, chúng tôi trở lại Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng mình đến Việt Nam không phải vì lạ, mà vì thích. Một phần vì người Sài Gòn khá giống người Úc, lúc nào cũng vui vẻ, phần khác vì nhịp sống cuồn cuộn ở thành phố này, có cảm giác ai cũng tràn trề năng lượng. Chính điều đó cuốn tôi đi, kích thích mình vận động.
Chúng tôi muốn ở lại đây, muốn làm một cái gì đó nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Để có tiền sống, chúng tôi đi dạy tiếng Anh vào buổi sáng và buổi tối, còn buổi chiều chúng tôi học tiếng Việt ở Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu, chúng tôi tính chỉ ở Việt Nam chừng sáu tháng, nhưng rồi nấn ná, nán lại đến gần ba năm. Đến năm 2003, chúng tôi qua Tây Ban Nha – đất nước có truyền thống sản xuất rượu vang mấy ngàn năm nay – làm việc cho nhà máy rượu vang Bodegas Castano.
- Liệu đó có phải là một bước đệm, tiến tới việc kinh doanh rượu vang như hiện thời?
Thu nhập từ việc đi dạy chẳng đáng là bao. Chúng tôi cần một công việc có thu nhập ổn định hơn, chuẩn bị cho tương lai. Thêm nữa, với tôi, rượu vang là niềm đam mê. Làm việc được sáu tháng thì nhà sản xuất Bodegas Castano gặp rắc rối. Họ bị phạt rất nặng vì sử dụng những người thu hái nho không có giấy phép lao động. Sau biến cố đó, chúng tôi trở về Sydney.
- Tại sao anh không làm kinh doanh ở quê nhà?
Các nhà sản xuất phải thừa nhận rằng thị trường Úc đã trở nên bão hoà. Kinh doanh rượu ở Úc ngày càng khó khăn. Các cửa hàng bán lẻ rượu vang lần lượt bị những siêu thị lớn “thôn tính” sau khi luật pháp cho phép họ được bán rượu. Tôi thì đã có gia đình, đã làm việc rất vất vả, đã có kinh nghiệm. Chúng tôi không muốn người ta tiếp tục sử dụng vốn hiểu biết của mình để làm kinh doanh. Tôi muốn làm “sếp”. Tôi thấy ngày càng có nhiều người nước ngoài qua Việt Nam làm ăn. Vậy là chúng tôi quyết định quay lại nơi chúng tôi đã từng sống ba năm và nói được tiếng Việt. Tháng 7-2005, tôi thành lập công ty, trở thành đơn vị đầu tiên nhập khẩu vang Úc.
- Lần đầu khởi nghiệp, lại ở một môi trường văn hoá mới, hẳn rằng anh cũng gặp không ít khó khăn?
Nhiều người cũng nói kinh doanh ở Việt Nam khó lắm, không làm được đâu. Bản thân chúng tôi cũng không có nhiều tiền. Khi mở công ty còn phải mượn thêm của cha tôi. Ba năm đầu tiên, toàn bộ tiền lời của chúng tôi đều đổ vào công ty, biến thành rượu. Chúng tôi sống tiết kiệm, không có thì giờ để đi chơi. Nhưng không sao, muốn làm kinh doanh tốt thì phải vất vả. Cái gì dễ kiếm thì cũng dễ mất. Có những người trúng số độc đắc nhưng một thời gian sau cũng hết. Bởi vì đó không phải là sức lao động của họ.
Ngoài ra, chúng tôi đã gặp phải một số vấn đề do hạn chế hiểu biết về luật pháp, chẳng hạn như lần đầu tiên chúng tôi làm quen với việc sử dụng con dấu. Ở Úc không sử dụng con dấu. Chuyện hoá đơn đỏ cũng khá phức tạp. Rồi bên hải quan cũng vậy. Thời gian đầu, chúng tôi gặp phải vấn đề với một vài nhân viên hải quan muốn gây khó dễ mặc dù mình theo đúng luật pháp.
Có người chỉ cho chúng tôi nên kẹp “bao thơ” vào hồ sơ để công việc suôn sử nhưng tôi không chịu. Làm là chết. Đấy cũng là thái độ ứng xử của doanh nghiệp. Bây giờ thì mấy người hải quan đã quen mặt tôi rồi, không còn làm khó tôi nữa. Nói chung thì đó đều là những chuyện lặt vặt, không thể lường trước được. Nhưng đã gặp một lần là biết rồi, nhớ rồi… Người Úc có một câu nói, rằng nếu muốn đi thì sẽ tìm thấy đường.
- Con đường đó đã đưa anh đến thành công?
Tôi tin là mình đang đi đúng hướng. Tôi đã mất gần bốn năm để biết được điều đó. Muốn thành công thì phải ở Việt Nam lâu.
- Anh có thể nhập quốc tịch Việt Nam. Nếu được thì sẽ thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh của anh?
Tôi cũng đã có ý đó. Nghe nói, chưa biết chính xác, luật pháp đã thay đổi vào ngày 1-7-2009, cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam. Có thể khi về già, tôi sẽ quay về Úc nhưng bây giờ, chúng tôi muốn ở đây, muốn làm việc ở đây. Nếu suôn sẻ, tôi sẽ mua nhà.
- Trở lại với chuyện làm ăn. Khủng hoảng kinh tế đã tác động đến nhiều ngành, nghề. Với anh thì sao?
Những loại rượu mắc tiền bán chậm hơn trước. Mức tiêu thụ tại các khách sạn, nhà hàng cũng giảm, nhưng không đáng kể. Bù lại, khách hàng lẻ, chủ yếu là người nước ngoài, lại mua nhiều hơn. Điều chúng tôi lo ngại nhất là rủi ro tỷ giá. Khoảng thời gian chín tháng đầu năm 2008 thực sự rất căng thẳng. Tháng 1, tỷ giá giữa đô la Úc (AUD) và tiền đồng là 1 AUD/12.000 đồng nhưng đến tháng 7, 1 AUD/18.000 đồng. Chỉ cần AUD lên giá khoảng 20% là chúng tôi hết lời. May mắn là bây giờ AUD đã xuống giá. Ngày còn làm nhân viên cho người ta, những chuyện như vậy mình đâu có chú ý.
Nhắc đến Úc, nhiều người Việt Nam thường liên tưởng đến xứ sở của những bầy chuột túi, còn rượu vang, xem ra vẫn là một hình ảnh khá mờ nhạt…
Nói đến rượu vang thì người Việt Nam thường nghĩ ngay đến vang Bordeaux. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Một số công ty nhập những sản phẩm cấp thấp vì cho rằng người Việt Nam không biết gì về rượu vang, muốn bán thế nào cũng được. Bây giờ, ngoài rượu vang Pháp, các công ty còn nhập rượu vang từ Úc, Chile, Argentina… có chất lượng, giá bán cũng rẻ hơn. Nhờ vậy mà khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.
Thêm nữa, những loại đồ uống khác đều có gu riêng. Người uống whisky là chỉ uống whisky, cognac là trung thành với cognac. Rồi bia cũng vậy. Vang thì khác. Ăn với món này thì uống loại vang này, ăn với món kia thì phải uống với loại vang khác. Có một con số, tôi nhớ không chính xác lắm, cách nay bốn năm, rượu vang Pháp chiếm khoảng 60% thị phần ở Việt nam nhưng hiện đã giảm xuống còn khoảng 50%. Trong thời gian tới, mức độ cạnh tranh giữa các dòng vang có thể sẽ rất căng thẳng.
- Phải chăng đó là lý do khiến Vi No phối hợp với Tổng lãnh sự quán Úc tổ chứ Tuần lễ ẩm thực và rượu vang Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 5/2009?
Đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức sự kiện này. Lần đầu tiên là năm 2008. Ở bên Úc, các thành phố lớn như Sydney, Melbourne… hàng năm đều có những cuộc thi rượu vang. Mong muốn của tôi là Tuần lễ ẩm thực và rượu vang Úc sẽ trở thành một sự kiện thường niên. Tôi hy vọng trong vài năm tới, sự kiện này sẽ thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất rượu vang trong khu vực.
Năm nay, có 15 người đại diện cho một số nhà sản xuất rượu vang ở Úc tham gia. Đây là cơ hội tốt nhất để các nhà sản xuất tiếp xúc, thiết lập quan hệ làm ăn. Trong thời gian diễn ra chương trình này, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi rượu vang Úc, nhằm xác định được đâu là loại rượu vang tốt nhất, bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam.
- Trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, anh đã xoay sở như thế nào?
Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng và vận động tài trợ. Nếu không có sự ủng hộ của các đơn vị thì chắc chắn chúng tôi không thể làm được. Cũng nhờ có tài trợ nên vé vào cửa khá rẻ, tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam đến tham gia lễ hội cùng với chúng tôi.
- Anh nghĩ thế nào về cách thưởng thức rượu vang của người Việt?
Tôi nghĩ thị trường rượu vang của Việt Nam khá giống với Úc cách nay 20 năm. Khi đó, chúng tôi cũng chưa có văn hoá rượu vang. Người Úc chủ yếu uống bia, whisky, cognac…
Hầu hết các loại rượu vang trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. Người phương Tây uống vang hàng ngày. Vì vậy nên họ thường mua vang thùng, loại 4 – 5 lít. Vang thùng chiếm khoảng 60% thị phần. Người Việt nói chung chưa có thói quen uống vang. Họ thường uống kèm với mồi, và thường chọn vang đóng chai. Chính vì vậy mà vang thùng bán được rất ít.
Tuy nhiên, trong khi người nước ngoài thường uống những loại vang có giá khoảng 280 ngàn đồng/chai thì người Việt thường chọn những loại vang mắc tiền hơn, giá gấp đôi. Không thể ép người Việt uống rượu được. Việc này phải từ từ. Nhà bác học Pasteur nói rằng “Một bữa ăn không có rượu vang giống như một ngày không có nắng”. Thị trường Việt Nam bây giờ chưa lớn, nhưng tôi tin trong một tương lai không xa, nó sẽ lớn.
- Mê vang, kinh doanh rượu vang, chắc anh ngày nào cũng uống vang?
Cũng có những ngày mình không muốn uống, nhưng vì công việc nên tôi phải nếm thử. Những lúc như vậy không phải là uống vang. Uống với những người thân, bạn bè mới gọi là uống. Uống vang không phải để xỉn, mà để kích thích vị giác, để nói chuyện, để vui. Uống rượu vang một mình là buồn. Nếu có một chai ngon, lạ, mà không có người chia sẻ thì cũng không vui.
- Anh có nhiều bạn bè ở Việt Nam?
Tôi có vài người bạn thân là người Việt. Tuy nhiên, ai cũng bận rộn. Chúng tôi hiếm có dịp gặp nhau, nhưng lần nào gặp cũng vui. Thời gian rảnh, tôi thích ở nhà với gia đình. Năm vừa rồi, tôi đã sửa lại căn nhà đang ở, dành ra một góc nho nhỏ để làm vườn, thích lắm.
- Sau tám năm ở Sài Gòn, điều gì làm anh khó chịu?
Tôi có cảm giác người Việt Nam không bao giờ muốn nói là không biết, hoặc không hiểu. Có những việc họ biết rằng không làm được, không hiểu nhưng họ không hỏi lại, nhất là khi nói chuyện với người lớn tuổi hoặc cấp trên. Tôi dị ứng nhất là chuyện đó.
Thứ hai là giao thông, ngày càng tệ. Cuối cùng là thành phố này không có những công viên lớn. Con trai tôi mới năm tuổi, nó không có chỗ để chơi với bạn. Chơi trên vỉa hè thì đâu có gì vui, lại nguy hiểm nữa.
- Nghe nói ngoài kinh doanh rượu vang, anh còn mở lớp dạy về rượu vang… cũng là một cách để quảng bá cho “món quà của Thượng đế”?
Tôi không tổ chức với quy mô lớn. Mỗi khoá học chỉ khoảng 10 người, để mọi học viên đều có thể trao đổi với người hướng dẫn. Tôi muốn mọi người biết thêm về rượu vang, biết cái gì làm rượu vang tốt và ngược lại.
- Học phí có mắc không, thưa anh?
Giá một khoá học tương đương 95 USD. Mỗi khoá học kéo dài bảy tuần, mỗi tuần một buổi. Trung bình mỗi khoá học, học viên thực hành khoảng 80 loại rượu vang, còn học phí như vậy có mắc hay không thì phải do học viên đánh giá.
- Anh có nghĩ mình sẽ làm rượu vang suốt đời?
Chắc chắn. Rượu vang là niềm đam mê của tôi. Thời trung học, tôi rất mê chơi, thường đi với bạn bè. Hệ quả là tôi phải học lại một năm mới đủ điểm để vào đại học, ngành thiết kế công nghiệp. Thay vì nhập học liền, tôi xin bảo lưu kết quả một năm để làm việc trong một nhà hàng của cha một người bạn là Catalina.
Đây là một nhà hàng lớn, ở Sydney ai cũng biết. Công việc của tôi là nhập rượu và quản lý quầy rượu vang. Làm việc ở vị trí này mang lại cho tôi cơ hội nếm thử rất nhiều loại rượu vang, kể cả những chai có giá mấy ngàn USD.
Tôi mê vang kể từ ngày đó. Sau một năm làm việc ở nhà hàng, tôi hiểu rằng rượu vang đã gắn liền với cuộc đời mình. Tôi vừa đi làm, vừa đăng ký học những khoá đào tạo về rượu vang. Sau bảy năm làm việc ở Catalina, bạn gái của tôi, cũng là đầu bếp trong nhà hàng, nói rằng muốn đi du lịch châu Âu. Vậy là chúng tôi nghỉ việc, lên đường. Trong sáu tháng đi du lịch bụi, tôi đã ghé thăm rất nhiều những vùng sản xuất rượu vang danh tiếng, trong đó có nhà Bodegas Castano mà tôi đã nhắc ở phần trên.
Ước mơ của tôi là khi Vi No lớn mạnh, trở thành công ty lớn, tôi sẽ bán nó. Khoản tiền thu được tôi sẽ mua một miếng đất ở vùng làm rượu vang ngon và làm một nhãn hiệu rượu nho của riêng mình.
- Giả sử bây giờ có tiền thì anh sẽ chọn nơi nào là điểm dừng chân?
Có thể là Tây Ban Nha hoặc miền Tây nước Úc. Phong cảnh ở đó cũng rất đẹp.
- Ở Đà Lạt hiện nay cũng có sản xuất rượu vang. Anh có biết gì về vùng này?
Cách nay mấy bữa, tôi mới gặp một Việt kiều đang đầu tư một nhà máy sản xuất rượu vang ở Đà Lạt. Tôi nghĩ đây chưa phải là vùng đất tốt nhất ở Việt Nam để làm rượu vang. Đà Lạt có độ ẩm phù hợp nhưng yếu tố quan trọng này không chỉ Đà Lạt mới có. Phan Rang (Ninh Thuận) là một vùng có thể phát triển rượu vang vì nơi này trồng được nho. Phan Rang có gió nhiều, từ biển thổi vào, thì độ ẩm không phải là vấn đề lớn. Cần nói thêm rằng nguyên liệu nên dùng loại nho có thời gian từ bốn đến năm tháng mới thu hoạch thì chất lượng vang sẽ ngon hơn. Đây cũng là loại nho mà các nước nổi tiếng về rượu vang như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… thường sử dụng làm nguyên liệu.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rượu vang của Việt Nam không có nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Có thể xem nó như một đặc sản địa phương, thu hút sự chú ý của khách du lịch. Thế mạnh của các bạn có thể là cà phê, trà, tiêu… chứ rượu vang thì thành thực mà nói, tôi không lạc quan.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Theo Doanh Nhân cuối tuần