- Đã từng gặp gỡ nhiều doanh nhân nổi tiếng, Giáo sư nhận xét gì về doanh nhân Việt và đâu là đức tính khiến ông khâm khục nhất?
- Ưu điểm lớn của các doanh nhân Việt Nam là tính năng động, tháo vát, nghiệp vụ cao và có ý chí vươn lên rất mạnh. Nhưng bên cạnh đó, nhược điểm là có phần vội vàng, thậm chí quá nóng vội trong việc làm giàu cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân.
Người tôi khâm phục nhất là Bill Gates, và đã có cơ hội trò chuyện với ông tại Hong Kong năm 1999. Đây là mẫu điển hình cho lớp doanh nhân thời đại mới vươn lên bằng trí tuệ. Tôi phục đức tính quyết đoán, dám dừng lại việc học đại học của mình để ra mở một doanh nghiệp riêng. Nhiều người cho rằng, việc Bill Gates bỏ học đại học mà vẫn thành đạt nghĩa là không cần bằng cấp vẫn có thể thành công. Tôi không nghĩ vậy. Bởi thực tế, sau khi bỏ học Bill Gates đã phải tự học rất nhiều ở trường đời. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ doanh nhân trẻ vì lòng yêu thương nhân loại, cộng đồng khi hiến phần lớn tài sản mình để làm từ thiện và chỉ để lại một số lượng rất nhỏ cho con cái. Tôi nghĩ không phải ai cũng làm được điều này.
- Nhiều đại gia vì quá đam mê kiếm tiền mà bỏ bê gia đình, để rồi khi quay lại họ trở nên cô độc. Giáo sư nghĩ sao về điều này?
- Trong thời buổi kinh tế thị trường thì mặc nhiên phải có sự cạnh tranh để có được vật chất tốt hơn. Người nào có năng lực thì của cải vật chất sẽ nhiều hơn. Nhưng bi kịch cũng từ đây nảy sinh. Có một số người quá háo hức chuyện làm giàu cũng như khẳng định vị trí xã hội của mình bằng của cải dẫn đến tình trạng làm giàu vội vàng bằng bất kể giá nào. Một số người thất bại và họ cảm thấy đau đớn thậm chí bất mãn.
Có những người thành đạt quá và đến một thời điểm nào đó sự thành đạt cũng trở nên vô nghĩa. Khi có tiền bạc đến mức thừa thãi, một số người không đứng vững được và lao vào ăn chơi sa đọa. Đó chính là bi kịch. Nhiều người khác quá ham làm giàu gặp phải bi kịch là quay trở lại thì thấy gia đình mình có vấn đề. Mỗi người đều có một lý tưởng và hoài bão riêng. Tôi cho rằng, mỗi người cần phải biết điểm dừng để xác định đâu là điều quan trọng nhất.
- Vì sao ông không trở thành doanh nhân để làm giàu?
- Mỗi người có một năng khiếu, tôi có cảm giác mình không có tài trong việc kinh doanh. Hồi xưa, tôi cùng những người bạn đã mang máy tính sang cho Nga, xây dựng đề án đổi hàng triệu máy tính lấy phân đạm. Nếu chiến dịch đó thành công thì Viện Công nghệ vi điện tử hồi đó của tôi sẽ có một thành quả không kém các tập đoàn nổi tiếng đâu. Vậy là tôi cũng suýt giàu đấy chứ.
Tôi thấy mình phù hợp với công việc nghiên cứu về văn hóa, xã hội, tổ chức xuất bản sách hơn. Tôi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức nhưng không phải để làm giàu vật chất mà là xây dựng tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Mục tiêu sẽ là dịch và phát hành những cuốn sách kinh điển của thế giới làm giàu cho tri thức nhân loại. Cũng là một cách làm giàu nhưng không phải giàu vật chất mà là giàu tri thức văn hóa.
|
Để cuộc sống thanh thản, tôi có 3 điều nhớ và 3 điều quên. Ảnh: Nhật Minh. |
- Đang rất ham mê lĩnh vực công nghệ, ông chuyển sang đầu quân cho giáo dục. Tại sao ông lại chuyển hướng đi?
- Giáo dục của Viêt Nam đang nặng về kỹ thuật mà không thiên về lòng yêu thương, sự vị tha. Giáo dục vẫn còn nặng về đào tạo những lớp người thụ động, biết tôn trọng kỷ luật đến mức phục tùng. Đây là một vấn nạn và chính điều này làm hại tư duy sáng tạo của trẻ em.
Tôi muốn thay đổi nền giáo dục để đào tạo ra những lớp người biết tư duy, giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống và đặc biệt là khơi dậy tình yêu thương của thế hệ trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Càng ngày văn minh vật chất càng cao, nhưng nền văn hóa nói chung cũng như đạo đức xã hội lại chưa bắt kịp. Tôi muốn chúng ta thay đổi cách giáo dục, thấm nhuần triết lý nhân bản để dạy cho thế hệ trẻ tự duy độc lập, không câu nệ và tràn đầy lòng nhân ái. Bạn nghĩ sao nếu sau này chúng ta có rất nhiều doanh nhân giàu có thành đạt nhưng lại sống ích kỷ chỉ cho bản thân mình?
- Có nhiều người tâm niệm hạnh phúc là tiền bạc, số khác cho rằng, hạnh phúc là sự sẻ chia... Còn giáo sư quan niệm thế nào là hạnh phúc?
- Tôi xin kể cho bạn nghe một câu chuyện thế này. Vào năm 1987, trước sự chỉ trích của báo chí nước ngoài về việc phát triển chậm của Bhutan (một đất nước thanh bình, nằm sâu trong lục địa Nam Á, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, giữa Trung Quốc và Ấn Độ), nhà Vua đã trả lời rằng: Đối với Bhutan “Tổng hạnh phúc Quốc gia” còn quan trọng hơn Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP).
Tôi cho rằng, đến nay “ Tổng Hạnh phúc Quốc gia” vẫn chỉ là một ẩn dụ, đó là một thông điệp hơn là một chỉ số đo lường. Tôi vẫn tâm niệm cái hạnh phúc thật sự trong thông điệp về “ Tổng Hạnh phúc Quốc gia” không chỉ là sự sung túc, tiện nghi trong đời sống vật chất. Điều quan trọng hơn là sự an lạc trong cuộc sống tinh thần. Hạnh phúc là có cuộc sống vật chất không quá khó khăn, tinh thần thoải mái, tự do và có sáng tạo.
- Giáo sư có thể chia sẻ bí quyết để có được hạnh phúc trong cuộc sống?
- Để cuộc sống thanh thản, tôi thường có 3 điều nhớ và 3 điều quên. Nhớ mình là người bình thường và mình có thể sai, không phải lúc nào mình cũng đúng. Mình luôn là mình, không sống bon chen với người khác.
Điều đầu tiên phải quên là quên tuổi tác. Tôi năm nay đã 70 tuổi nhưng cố quên là mình đã già. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Các cụ dạy rằng: "70 tuổi vẫn chưa già, 60 tuổi vẫn còn là trung niên", tôi nghĩ mình vẫn đang ở độ tuổi trung niên. Điều thứ hai là quên bệnh tật, vì tôi quan niệm có quên bệnh tật mới sống vui vẻ được. Thứ ba là quên thù hận. Nếu có xích mích thù oán gì thì càng gỡ ra bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.
Tôi nghĩ ai hay nghĩ xấu về người khác thì rất bất hạnh. Tôi là người nghiêm túc về giờ giấc, nhưng nếu ai đã hẹn với tôi mà đến trễ thì tôi nghĩ đơn giản rằng họ bận đột xuất nên lỡ hẹn với mình. Nghĩ vậy tôi thấy lòng mình thanh thản hơn.
Xin chúc các bạn có sự an lạc trong tinh thần để cảm thấy mình hạnh phúc.
Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940 tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1960 ông sang Liên Xô, học trường Đại học Bách Khoa Kiev. Ông có một thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Nga. Khi về nước ông là một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1976-1979, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1979, ông sang Pháp tu nghiệp và được đề nghị ở lại làm luận án tiến sĩ quốc gia Pháp và ông ở lại đến năm 1985. Ông được phong Giáo sư năm 1983. Năm 1985, ông làm Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Năm 1995, ông làm Chánh văn phòng Chương trình quốc gia phát triển CNTT. Đầu năm 1996, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; giám đốc dự án Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Năm 2005, ông xin nghỉ hưu trước thời hạn. Từ đó đến nay, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, với hy vọng mang lại cho người Việt một tủ sách tri thức của tinh hoa thế giới. Từ năm 1996 đến nay, ông là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp. Năm 2005, ông được trao tặng Huân chương Quốc công của Pháp.
|
Hoàng Lan