Để đến được Bethlehem (vẫn được người Việt đọc là Bêlem), miền Judea, trước đó khoảng nửa tiếng, đoàn chúng tôi đã phải chuyển từ chiếc xe thùng Mercedes 8 chỗ rất mới sang một chiếc xe thùng cà tàng hơn. Cũng phải thay cả nữ hướng dẫn viên người Do Thái bằng một nam hướng dẫn viên người Palestine và thay cả người lái xe.
Bethlehem tọa lạc ở trung tâm Bờ Tây, cách thành phố thánh thiêng Jerusalem của ba tôn giáo lớn (Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo) khoảng 8km về phía nam.
Tuy dân số rất khiêm tốn, chỉ khoảng 50.000 người, lại phải sống cách ly với thế giới bên ngoài từ nhiều năm qua - bức tường dài ngăn cách được dựng lên bởi Israel, với những phiến bê-tông xám xịt, cao lừng lững (8m) và những đồn kiểm tra hộ chiếu, giấy thông hành là hình ảnh đập vào mắt du khách, nhưng Bethlehem lại là cái nôi văn hóa và du lịch của Palestine, tức một nguồn thu ngoại tệ tối cần thiết cho nền kinh tế Palestine đã nhiều năm bị cô lập.
Do đối tác lữ hành Palestine có giấy phép ra vào Bờ Tây thường xuyên, nên đoàn khách của Mekong Việt không phải xuống xe xuất trình hộ chiếu cho các nữ binh sĩ Israel còn trẻ măng nhưng súng tiểu liên luôn ở trên vai họ. Chiếc xe lần lượt vượt qua hai bức tường và tiến vào Bethlehem, Bờ Tây.
Từ thời xa xưa, Bethlehem đã đóng vai trò kinh tế trụ cột của vùng đất này. Theo tiếng Ả rập, Bethlehem có nghĩa là “Ngôi nhà của thịt”, còn theo tiếng Hy Bá Lai (Hebrew) thì nghĩa là “Ngôi nhà của bánh bột mì”.
|
Bên ngoài Đền thờ Chúa giáng sinh |
Ngày nay, kinh tế có nguồn thu lớn từ hàng thủ công mỹ nghệ bán cho du khách hành hương từ khắp thế giới. Bạn có thể chọn mua những mặt hàng thủ công tinh xảo, chủ yếu làm từ gỗ cây ô-liu, hay tìm mua vang thơm ngon làm từ nho. Hàng tơ sợi địa phương, thảm và các đồ vật bằng vàng, bạc, đồng dùng trong việc thờ cúng cũng là những mặt hàng thu hút khách du lịch.
Theo Kinh thánh Cựu Ước, đây từng là thành phố nơi người hùng David trở thành vua người Do Thái. Còn theo kinh Tân Ước, đây chính là nơi Chúa Giê-su chào đời cách nay hơn 2.000 năm.
Trải qua nhiều cuộc bể dâu, Bethlehem ngày nay là nơi sinh sống của một cộng đồng rất đông người Palestine theo Hồi giáo cùng với một cộng đồng khá đông người Palestine theo đạo Thiên Chúa.
May sao, mùa Giáng sinh 2011 bạo lực đã xa vắng nên Bethlehem thu hút rất nhiều khách hành hương và du khách quốc tế, hướng dẫn viên người Palestine nói tiếng Anh theo kiểu người dân vùng Địa Trung Hải (tức rất khó nghe) cho biết.
“Vào đêm vọng Giáng sinh, toàn khu vực này đông kín du khách”, anh nói, tay chỉ vào khoảng không gian rộng lớn phía trước mặt, nơi nổi bật tháp cao của nhà thờ Omar, một giáo đường Hồi giáo. Đây chính là Quảng trường máng cỏ nổi tiếng thế giới, đối diện với một giáo đường Kytô giáo cũng rất nổi tiếng: Đền thờ Chúa giáng sinh (Basilica of the Nativity).
|
Bức tường bê tông ngăn cách Bethlehem - Ảnh: L.Đ. Phúc |
Chúng tôi nhận thấy ở bức tường đá màu nâu vàng phía cuối nhà thờ có một cánh cửa hình vuông rất nhỏ. Hướng dẫn viên dắt đoàn khách tiến về phía đó. Thì ra, để vào bên trong nhà thờ được dựng lên đúng ở nơi Đức bà Maria đã hạ sinh Đấng Cứu thế, mọi người bắt buộc phải cúi đầu, khom mình xuống thật thấp. Cánh cửa nhỏ này có tên là “Cửa khiêm nhường”.
Thực ra, mục đích của kiến trúc sư năm xưa khi cho xây cửa thật nhỏ, thật hẹp và thật thấp là để dễ phòng vệ, tử thủ hơn cũng như tránh cho bò, ngựa tìm vào bên trong trú ẩn.
Lòng đền thờ Chúa giáng sinh cổ xưa trống rỗng, các hàng ghế thường dành cho tín hữu đến dự thánh lễ và nguyện cầu, thấy nhiều nhất là những chiếc đèn dầu với kiểu cách rất đẹp, chạm trổ họa tiết tinh vi, treo lơ lửng kín nơi cực thánh.
“Ngôi giáo đường này trông cũ kỹ nhưng thực ra còn khá mới, vì nó được xây dựng trên nền một ngôi giáo đường còn cổ xưa hơn rất nhiều, từ thời Hoàng đế Constantin cả, khoảng nửa đầu thế kỷ thứ tư sau Công nguyên”, hướng dẫn viên giải thích.
Rồi anh ta dẫn chúng tôi tiến sang cánh trái của nhà thờ. Khách hành hương đã xếp hàng rất dài phía trước các bậc thang dẫn xuống Grotto (hoặc Holy Crypt), hang đá thánh thiêng, vì là nơi Chúa Giê-su ra đời. anh ta ra dấu bảo chúng tôi di chuyển nhanh sang phía bên trái. Lại là những bậc thang theo hình vòng cung, nhưng là lối đi lên dành cho khách hành hương trở ra sau khi đã vào thăm nơi cực thánh.
|
Ngôi sao nhiều cánh đánh dấu nơi Chúa Giê su sinh ra làm người |
Ánh đèn dầu leo lét, trong khi người ta đi lên thì chúng tôi mò mẫm xuống từng bậc thang đá chật chội. Từng khách hành hương quỳ gối, cúi thấp đầu đặt nụ hôn lên ngôi sao nhiều cánh. Theo truyền thuyết, đó chính là nơi Chúa Giê-su hài đồng đã chào đời.
Hàng chữ tiếng Latinh “Hic de virgine Maria Jesus Christus natus est - 1717” xác nhận: “Tại đây, trinh nữ Maria đã hạ sinh đức Giê-su Kytô”. Không ai được quỳ cầu nguyện quá 20 giây, phải nhanh chóng nhường chỗ cho người sau.
Và cũng chẳng dám nói to, chỉ là những lời thì thầm, chắc chắn bằng đủ các thứ tiếng vì căn cứ vào hình thái, màu da và cung cách của đám đông khách hành hương xen lẫn du khách bình thường.
Gần đó, trong nhà nguyện Máng cỏ, được cất sau tấm rào sắt có nhiều ổ khóa to là tượng thánh gia thất (Thánh Yuse, Đức bà Maria và Chúa hài đồng). Cũng theo truyền thuyết, đức bà Maria đã đặt hài nhi Giê-su tại đây. Hơn 2.000 năm về trước, vì không còn chỗ trong các lữ quán nên đức bà Maria đã phải hạ sinh đấng cứu thế trong hang đá, săn sóc Chúa trong máng cỏ.
Ngày nay, Bethlehem có hơn 30 khách sạn và gần 40 nhà hàng có khả năng phục vụ cùng lúc từ 100 - 1.000 thực khách. Và khi năm 2011 kết thúc, số khách hành hương đến với Bethlehem trong năm có thể lên đến con số 1,5 triệu, một kỳ tích.
Đối với những người Palestine bán hàng lưu niệm cho du khách thì năm 2011 sẽ được xem là năm tốt đẹp nhất trong suốt một thập kỷ qua. Cầu xin cho họ sẽ còn có thật nhiều năm tốt đẹp như các thiên thần đã hát ca mừng Chúa giáng sinh. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Bài và ảnh: DŨNG NGUYÊN