Người lữ khách đắm chìm trong những tầng mây ngũ sắc ở đỉnh Vân Hồ, bần thần trước những cung đường đèo nắng vàng uốn lượn, dạo chơi ở những thung lũng hoa mận trắng mênh mông và nghe tiếng mình vọng trong tiếng núi của ngàn xưa dội về.
Chúng tôi chọn cung đường từ Hà Nội lên Mộc Châu rồi qua Quỳnh Nhai, Than Uyên để đến với Lai Châu, rồi từ đây sẽ lên xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, nơi bắt đầu hành trình chinh phục. Mùa này Mộc Châu đang rực rỡ trong muôn sắc hoa: hoa mận, hoa cải, hoa đào.
Khi chúng tôi đến Mộc Châu, trời mù mịt mây, sương và rét mướt, nhiệt độ chỉ còn 7 độ C. Dù mặc 5, 7 lớp áo cùng các phụ trang bảo bọc song chúng tôi vẫn cảm nhận thật rõ cái rét đang ngấm sâu vào da thịt. Đường lên đỉnh Vân Hồ quanh co, ngoằn ngoèo, ngập trong sương, càng lên cao, mây dần tan và trời hửng sáng.
Qua một khúc để lên đỉnh cao nhất Vân Hồ, chúng tôi dừng xe nhìn xuống sững sờ trước bức tranh thủy mạc của thiên nhiên và con người họa bút. Muôn dãy núi xa trập trùng cuốn quyện vào mây, bao bọc cả một thung lũng chè xanh mênh mông còn đang ngái ngủ. Những tia nắng mai xuyên màn mây chiếu xuống làm những rừng mận trắng bừng sáng lung linh.
Gắn quanh những gốc mận xù xì bạc phếch là trăm cành dài với muôn hoa vạn cánh trắng muốt vút thẳng lên trời cao. Cả rừng mận bạt ngàn với tán hoa thật dày, như một rừng ô trắng nép sát vào nhau. Bên dưới những chiếc ô "thiên nhiên" ấy, các em bé Mông với trang phục sặc sỡ nô đùa vui vẻ.
Ánh mắt tròn xoe, ngây thơ, vẻ e ngại, thẹn thùng hiện lên trên đôi má ửng hồng khi thấy người khách lạ. Đôi chân cứ líu xíu như muốn chạy trốn mà lại đứng yên vì nỗi tò mò làm cho người lữ khách phải bật cười mà lòng lại quyến luyến yêu thương. Chúng tôi cứ ngẩn ngơ mãi như thế trên đồi cao để giữ mãi màu trắng mênh mông trập trùng mà lòng cứ bần thần mãi không thốt được nên lời.
Từ Mộc Châu, chúng tôi chọn con đường lên Lai Châu qua huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vì nơi đây có một điểm dừng chân rất thú vị là cầu Pá Uôn, cây cầu cao nhất Việt Nam. Cầu Pá Uôn nằm trên quốc lộ 279 bắc qua dòng Đà Giang huyền thoại ở xã Chiềng Ơn.
Cầu được xây bằng kỹ thuật hiện đại, bê tông cốt thép dự ứng lực với công nghệ đúc hẫng và có khả năng chịu được động đất đến cấp 9. Trụ cầu chính cao 98 mét, nhưng nếu tính từ mặt nước thì lên đến 105 mét và vì thế, Pá Uôn xứng đáng được mệnh danh là cây cầu cao nhất Việt Nam.
Đứng trên cầu phóng tầm mắt mênh mông, dòng Đà Giang lững lờ trôi phía bên trái những dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau bất tận về phía chân trời, dưới thẳm sâu là những chiếc thuyền con chở du khách rẽ sóng nhẹ lướt. Khung cảnh bình yên và quyến rũ đến say lòng, khiến mọi lo toan tan biến tự lúc nào.
Từ đây, chúng tôi ngược dòng Đà Giang để đến với Than Uyên, trên đường đi không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải dừng lại bởi không thể cưỡng lại sự cuốn hút đến kỳ bí của từng góc cua, khúc ngoặt.
"Vọng Âm Sơn" là cái tên chúng tôi tạm đặt cho đỉnh núi ngất trời nơi đây khi tình cờ khám phá khả năng vọng âm kỳ lạ do sự sắp đặt tuyệt diệu của núi rừng. Khi chúng tôi dứt hơi thét vang cho thỏa sự hưng phấn thì cả núi rừng lặng câm, rồi chừng vài giây, từ hang núi vọng âm trước mặt, âm thanh phản lại cực to rồi lan liên tiếp đến hàng chục, hàng trăm ngọn núi khác như tiếng đối thoại của đất trời, làm nên không gian, khoảnh khắc siêu nhiên kỳ vĩ vô cùng.
Khi chúng tôi hét một câu dài, dãy núi cũng đợi dứt câu mới phản hồi, cảm giác thật tuyệt diệu, cứ như cuộc trò chuyện của những không gian đa chiều khác biệt, của hiện tại và quá khứ.
Rồi lại vội vã lên đường, chúng tôi tới Lai Châu khi trời đã tối mịt và ngày càng buốt lạnh. Kiếm vội chỗ dừng chân để ngả lưng, giấc ngủ đến thật nhanh bởi một ngày mỏi mệt rã rời nhưng đầy cảm xúc. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu để làm thủ tục.
Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Chỉ huy trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Tuất, giấy phép đã có trong tay và chúng tôi đi vào vùng biên giới. Trời càng lúc càng rét lạnh, khi chúng tôi đến được đồn biên phòng Vàng Ma Chải thì đã xế trưa mà trời vẫn mịt mù, lạnh căm căm. Sau khi trình giấy giới thiệu, các anh đều nhiệt tình hỗ trợ nhưng đầy lo lắng.
Vì thời tiết hiện nay rất xấu mà đường chinh phục mốc 79 lại muôn trùng xa xôi và khó khăn. Việc đảm bảo an toàn cho chúng tôi, những người không có sức khỏe và kinh nghiệm đi tuần tra, là rất phức tạp và cần phải có sự chuẩn bị kỹ.
Qua bàn thảo kỹ lưỡng, các anh quyết định thành lập một tổ hỗ trợ tuần tra mốc giới cùng chúng tôi với 9 thành viên gồm: Thiếu tá Hoàng Đăng Mạnh - Phó đồn trưởng quân sự, Thượng úy Nguyễn Văn Tám - Đội phó đội kiểm soát hành chính, Thượng úy Bùi Quang Huy - phụ trách quân y, và ba chiến sĩ người Thái Lý Mò Dò, Lò Văn Thành, Lò Văn Thắng, cùng 3 dân quân am tường địa hình rừng núi nơi đây: anh Tẩn Lao Tả, Phàn Vần Khỉn và Tẩn Chỉn Thành.
NGÔ TRẦN HẢI AN