Theo Báo cáo Thịnh vượng Thế giới năm 2011 do ngân hàng Merrill Lynch và hãng tư vấn tài chính Capgemini vừa công bố, trong năm 2010, số lượng triệu phú trên thế giới tăng 8,3%, đạt 10,9 triệu người với tổng giá trị tài sản 42.700 tỷ USD, tăng 9,7%.
Trong đó, tại châu Á – Thái Bình Dương, số triệu phú đã tăng 9,7% lên 3,3 triệu người. Giá trị tài sản họ nắm trong tay là 10.800 tỷ USD, cao hơn 12,1% so với năm 2009.
Việt Nam góp một phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng số lượng triệu phú ở châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo không nêu cụ thể Việt Nam có bao nhiêu triệu phú, chỉ cho biết tốc độ tăng trưởng đạt 33,1%, đứng sau Hong Kong (33,3%).
Theo thống kê của VnExpress.net tính tới cuối năm ngoái, Việt Nam có 450 triệu phú trên sàn chứng khoán niêm yết, tăng gấp rưỡi so với năm 2009. Trong đó, ông chủ Vincom Phạm Nhật Vượng sở hữu số lượng chứng khoán niêm yết tương đương gần 1 tỷ USD.
Một số nền kinh tế khác trong khu vực cũng có tốc độ tăng trưởng người giàu rất cao so với thế giới, chẳng hạn Sri Lanka (27,1%), Indonesia (23,8%), Singapore (21,3%) và Ấn Độ (20,8%). Tốc độ ấn tượng này thể hiện tính tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô như tổng thu nhập quốc dân (GNI) và các động lực chủ chốt khác như thị trường chứng khoán.
Ấn Độ lần đầu tiên lọt vào top 12 nước có nhiều triệu phú nhất với 153.000 người. Tại Trung Quốc, số triệu phú cũng tăng thêm 12% lên 534.500 người, đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách. Ba nước đầu bảng là Mỹ, Nhật Bản và Đức, chiếm 53% số triệu phú trên thế giới.
Châu Âu đã để mất vị trí thứ hai vào tay khu vực châu Á Thái Bình Dương do lượng triệu phú chỉ tăng 6,3%, đạt 3,1 triệu người. Đồng thời, giá trị tài sản sở hữu cũng thua kém, chỉ tăng 7,2%, đạt 10.200 tỷ USD. Tổng giá trị tài sản của các triệu phú châu Á vốn đã vượt châu Âu trong năm 2009. Đến năm 2010, chênh lệch càng được nới rộng thêm.
Số thành viên trong câu lạc bộ triệu phú của Bắc Mỹ đã được cộng thêm 8,6% lên 3,4 triệu người, nắm giữ 11.600 tỷ USD (tăng 9,1%). Trong đó, 3,1 triệu người sống tại Mỹ, chiếm 28,6% lượng triệu phú toàn cầu. Với mức phát triển khiếm tốn là 6,2%, khu vực Mỹ Latinh chỉ có chưa đầy 500.000 triệu phú. Năm ngoái, giá trị tài sản của họ tăng 9,2%.
Tuy chỉ có 400.000 triệu phú (tăng 10,4%), nhưng giá trị tài sản của các triệu phú ở Trung Đông gia tăng đến 12,5% đạt 1.700 tỷ USD.
Theo bản báo cáo, lượng triệu phú là phụ nữ và triệu phú trẻ cũng phát triển. Năm 2010, khoảng 27% số triệu phú trên thế giới là phụ nữ, trong khi năm 2008 chỉ là 24%. 17% là triệu phú từ 45 tuổi trở xuống, còn năm 2008 là 13%.
Ngoài ra, số lượng và giá trị tài sản của các siêu triệu phú sở hữu từ 30 triệu USD trở lên tăng lần lượt là 10,2% và 11,5%, cao hơn tốc độ phát triển của các triệu phú. Họ nắm tới 36,1% giá trị tài sản của giới nhà giàu trên thế giới trong khi số lượng chỉ chiếm 0,9% (103.000 người) trong bộ phận này.
Báo cáo Thịnh vượng Thế giới của ngân hàng Merrill Lynch và hãng tư vấn tài chính Capgemini đuợc đưa ra dựa trên số liệu từ 71 quốc gia, chiếm 98% tổng thu nhập quốc dân và 99% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán trên toàn cầu.
An Lâm