TPHCM
Lễ hội “Ngày hội quê tôi”
Lễ hội văn hóa và ẩm thực “Ngày hội quê tôi” lần thứ 6 do Làng Du lịch Bình Quới tổ chức sẽ diễn ra từ 16 giờ đến 21 giờ các ngày 10, 11, 12-2 tại Khu Du lịch Văn Thánh (48/10 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh).
Lễ hội thường niên năm nay sẽ giới thiệu đầy đủ hơn, phong phú hơn những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt hội hè và ẩm thực dân gian Việt Nam, với không gian tổng thể hài hòa, các nghề truyền thống, chợ quê, ca nhạc dân tộc được sắp xếp xen kẽ với các khu ẩm thực theo từng miền.
Khu vực “Chợ quê”: với những trang phục truyền thống ba miền và các dân tộc anh em, tái hiện sinh hoạt chợ quê xưa với cảnh buôn gánh bán bưng, những gánh hàng rong, những tiếng rao hàng.
Khu vực “Ẩm thực”: giới thiệu các món ăn Bắc, Trung, Nam chọn lọc từ những món ăn được ưa chuộng nhất từ lễ hội những năm trước. Đặc biệt bổ sung một số món ngon đồng bằng Nam bộ: Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp; Đông Nam bộ: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ Đức. Những món ăn vùng cao Tây nguyên, Tây Bắc. Chế biến tại chỗ một số quà bánh dân gian. Về phần "Ẩm" pha chế có biểu diễn các loại cocktail từ nguyên liệu và rượu Việt.
Khu vực “Biểu diễn nghệ thuật”: các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như hát chèo, hát tuồng, dân ca Huế và Nam Trung bộ, đờn ca tài tử Nam bộ. Có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật từ một số tỉnh: dàn nhạc ngũ âm Khmer Sóc Trăng, diễn tấu nhạc cụ tre nứa Buôn Đôn, múa Chăm và nhạc Paranưng Ninh Thuận, đặc biệt đoàn cồng chiêng Gia Lai.
Khu vực “Trò chơi dân gian”: ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian còn hướng dẫn trẻ em làm một số đồ chơi mang tính truyền thống như: nặn tò he, làm thuyền bằng bẹ chuối, đồ chơi bằng lá dừa, tre trúc, nặn tượng bằng đất sét....
Khu vực “Các nghề truyền thống”: tái hiện lại hoạt động một số nghề sản xuất các sản phẩm thủ công: đan rổ, làm cần xé, dệt chiếu, làm đèn lồng Hội An, đan lưới, làm đồ gốm, dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm bún, làm lò than, làm tàu hủ - nấu sữa đậu nành. Đặc biệt là nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, chọt cốm dẹp Trà Vinh.
Ngoài ra, ban tổ chức còn tổ chức triển lãm tranh giới thiệu những nét văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam do Hội Mỹ thuật TPHCM thực hiện.
Vui xuân Suối Tiên “Lộc tài như ý”
Khu du lịch Suối Tiên mở hội “Rồng - Tiên” thế kỷ thứ 12, miền đất Tứ Linh biến thành một “Thiên cảnh bồng lai” lung linh rực rỡ để tổ chức 'lễ hội mùa xuân" với nhiều chương trình đặc sắc, nhiều công trình mới ấn tượng xuất hiện: Long Hổ trận địa chiến, Lâu đài tuyết cùng hơn 200 diễn viên trong show diễu hành “Ngọc ngà châu báu thần tiên hội”, show biểu diễn cá heo…
Hương vị Tết tại Nhà vườn Long Thuận
Chương trình đón Tết dân dã do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực hiện mang tên “Hương vị Tết” khai trương tại Khu vườn Long Thuận (quận 9) vào lúc 15 giờ ngày 7-1 và kéo dài tới hết Tết nguyên đán 2012.
|
Du khách háo hức xem nặn tò he ở lễ hội "Hương vị Tết". |
"Hương vị Tết" tại nhà vườn Long Thuận có nhiều trò chơi dân gian, đua bè trên hồ Chân Lạc, khắc dưa hấu, làm tò he, vẽ thiệp chúc Tết, viết thư pháp, tham gia gói và nấu bánh chưng… xem triển lãm hình áo dài xưa, triển lãm tranh khắc gỗ Đông Hồ, múa Lân, múa võ thuật, trình diễn sưu tập tranh vẽ trên áo dài trẻ em, trình diễn bộ sưu tập áo dài Quốc hoa, chương trình ẩm thực với những món ăn, bánh mứt đặc trưng ngày Tết… và chương trình “Câu chuyện ngày Tết” với hai diễn giả là nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần với “Đạo đức và tâm linh trong tập tục đón tết cổ truyền” và chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai với “Mở lòng vui đón xuân sang”.
Phí tham dự chương trình nguyên ngày: 500.000 đồng/người lớn và 300.000 đồng/trẻ em.
Đầm Sen mừng tết nguyên đáng
Công viên văn hoá Đầm Sen tổ chức một loạt sự kiện, chương trình giải trí, công trình thưởng lãm với chủ đề: “Lì xì chúc phúc – sung túc cả năm” để mừng Tết Nhâm Thìn 2012 từ 29 tết đến hết 14 tết tháng Giêng.
Một không gian rực rỡ của “Phố lì xì” với những tiểu cảnh ngày tết đỏ rực, các trò chơi dân gian, các mặt hàng lưu niệm. Các nhân vật Phước, Lộc, Thọ và mascot Dế mèn sẽ cùng giao lưu, chúc phúc và trao quà lì xì cho khách du xuân.
Đường hoa Sóng nước phương Nam: được thiết kế và trang trí rực rỡ kéo dài từ cổng vào đến tượng đài Âu Cơ - Lạc Long Quân, chia làm 3 phân đoạn với ba chủ đề khác nhau: Rồng hoa đón xuân; Lễ hội ngày xuân và Hướng về nguồn cội. Ở mỗi chủ đề sẽ có những hoạt động nổi bật như công viên lì xì, các trò chơi dân gian, những tập tục ngày Tết, các sản vật của vùng sông nước gồm hoa tươi, ngũ quả, lúa nước, cây xanh nghệ thuật…
Bên cạnh đó là các live show hài: “Hoài Linh - Chí Tài lì xì đầu năm” (lúc 11 giờ 30 – 13 giờ từ mùng 1 đến mùng 6 tết); live show “Kim Tiểu Long – Quế Trân gửi lời chúc phúc” (lúc 15 giờ – 16 giờ 30 từ mùng 1 tết đến mùng 4 tết); live show “Kim Tử Long gửi lời chúc phúc” (lúc 15 giờ - 16 giờ 30 từ mùng 5 đến mùng 7 tết tại sân khấu Ngôi Sao). Đặc biệt, chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” mừng xuân Nhâm Thìn 2012 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày mùng 4 tết tại sân khấu Nhạc Nước.
Tết năm nay, Đầm Sen tiếp tục phối hợp với sân khấu Idecaf ra mắt show diễn mới “Những đứa con của rồng”; show xiếc mới “Ngày hội muông thú" và "Những người bạn nhỏ đáng yêu”; show diễu hành “Đầm Sen thế giới tuyệt vời” biểu diễn phục vụ khách liên tục trong suốt đợt hoạt động tết Nhâm Thìn 2012.
Dành cho các bạn tuổi hoa là chương trình văn nghệ với tham gia của ca sĩ Hòa Mi, Chí Thiện và nhóm 365. Sân chơi Hip hop với nhiều loại hình bạn trẻ yêu thích: breakddance, hiphopdance, Popping DeeJay, MC/Rap, Graffiti, Beatbox, freestyle, chương trình diễn ra lúc 11 giờ 30 tại sân khấu Nhạc Nước.
Đặc biệt, mừng Tết Nhâm Thìn 2012, Đầm Sen sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại cầu Cửu Khúc, với thời lượng 15 phút, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-1 (rạng sáng mùng 1 tết).
Vé trọn gói từ 130.000 đồng đến 220.000 đồng.
Hà Nội
Công viên nước Hồ Tây đón xuân Nhâm Thìn
“Vui chơi Tết, đón lộc xuân” là chương trình sẽ được tổ chức tại công viên Hồ Tây (Hà Nội) trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Chương trình sẽ diễn ra trong bảy ngày Tết từ 10 giờ đến 20 giờ các ngày từ ngày 23-1 đến 29-1 (mồng 1 đến mồng 7 Tết Nhâm Thìn).
|
Tại công viên nước Hồ Tây, khách du xuân sẽ được gặp gỡ nhiều nhân vật hoạt hình - ảnh: congvienhotay. |
Tất cả khách hàng khi đến tham dự chương trình và mua vé vui chơi trọn gói Công viên Mặt Trời Mới đều có cơ hội nhận được một phiếu bốc thăm trúng thưởng, phần thưởng là những món quà nhỏ, may mắn của công viên Hồ Tây dành tặng khách hàng. Tổng giá trị quà tặng lên tới hơn 200.000.000 đồng.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc sẽ diễn ra trong suốt bảy ngày Tết với rất nhiều tiết mục nghệ thuật mang đậm không khí của Tết cổ truyền dân tộc như: múa Lân - Sư - Rồng, ảo thuật, xiếc cùng nhiều trò vui chơi có thưởng khác …
Chương trình ca múa nhạc với sự xuất hiện của các ca sĩ trẻ đang được nhiều bạn trẻ mến mộ như ca sĩ Đức Chính, Hoàng Lan, Ngọc Mai…
Không chỉ có vậy, du khách còn có cơ hội khám phá rất nhiều trò chơi hiện đại, cảm giác mạnh tại công viên Hồ Tây như: rồng thép Thăng Long, tàu điện trên không, đu quay khổng lồ… và hàng chục trò chơi điện tử hiện đại, mới lạ khác tại trung tâm Hồ Tây Game.
Các em nhỏ sẽ được giao lưu cùng những nhân vật hoạt hình: Vịt Donald, Chuột Mickey, Heo mập, Gấu Pooh, Mèo Sonic… ngộ nghĩnh trong những điệu nhảy Hiphop sôi động.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Ngày 28 và 29-1 (mùng 6 và 7 Tết) chương trình Vui xuân Nhâm Thìn sẽ với nhiều trò chơi dân gian, tìm hiểu nhiều nét văn hóa, ẩm thực của nhiều dân tộc sẽ diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội)
Chương trình hoạt động đầu năm mới này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là dịp giới thiệu với công chúng những sinh hoạt văn hóa dân gian thông qua các hoạt động như trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực…
Tại đây, lần đầu tiên du khách có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa cổ truyền của vùng đất tổ Phú Thọ, với hát xoan, vui chơi bắt chạch trong chum, làm bánh tai của người Việt, những điệu múa và trò chơi đi cà kheo thả đũa vào chai của người Cao Lan.
Cùng với đó là những trò chơi dân gian quen thuộc của người Việt như pháo đất, đánh đu, kéo co, rồng rắn lên mây… và nhiều trò chơi của các dân tộc khác như cầu lông gà (Hmông, Pà Thẻn), đánh quay (Hmông, Dao, Nùng), ném còn (Thái, Tày), đi cà kheo (Việt, Cao Lan)…
Bên cạnh đó, tham gia hoạt động tìm hiểu 12 con giáp, khách tham quan còn có thể nặn tò he, hoặc vẽ và tô tranh, có cả tô vẽ con giáp bằng gốm với sự hướng dẫn của thợ thủ công làng Bát Tràng.
Ngoài ra, du khách được tìm hiểu cách làm bánh tai - một đặc sản của vùng Phú Thọ, cũng như bánh bác và bánh cuốn của vùng Đan Phượng, Hà Nội. Không chỉ vậy, hương vị ẩm thực Tày xứ Lạng xuất hiện tại Bảo tàng trong dịp này thông qua những món ăn truyền thống do chính người Tày đến từ Lạng Sơn chế tác, như lợn quay, xôi màu, cơm lam, bánh sừng bò, bánh phồng, bánh chưng Tày.
Vé tham gia được bán tại cổng với giá 25.000 đồng/người lớn, 3.000 đồng/ trẻ em và 5.000 đồng/sinh viên.
Thu Hà – Thoa Nguyễn