Thế nhưng, việc phá kỷ lục về một lần đặt mua số lượng máy bay trong ngành hàng không dân dụng thế giới và trở thành khách hàng lớn nhất của hãng sản xuất máy bay Airbus với 18 tỷ USD mua 200 máy bay chở khách phản lực... đã khiến cho bản thân người đàn ông Malaysia 47 tuổi này cũng phải cảm thấy ngạc nhiên.
Phát biểu với hãng tin Reuters ngay sau khi ký kết hợp đồng nói trên, Tony Fernades nói: "Đến tận bây giờ, tôi không hề nhận ra mình là khách hàng mua máy bay lớn nhất và đó thực sự là cảm giác khó tả”.
Bước đi mạnh bạo của Tony Fernandes tại Triển lãm Hàng không ở Paris là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh đầy tham vọng mà ông hy vọng qui mô của hãng Air Asia sẽ không hề thua kém đối thủ cạnh tranh khổng lồ Southwest Airlines.
Tony Fernandes đã ấp ủ giấc mơ điều hành một hãng hàng không giá rẻ ngay từ khi còn là sinh viên của Epson College ở Anh. Ông cho biết: “Tôi luôn thích ý tưởng về một hãng hàng không giá rẻ. Do phải học ở nước ngoài nhưng lại muốn về nhà thường xuyên, nên ý tưởng này luôn đeo bám tôi”.
Từng là một kế toán được đào tạo tại Vương quốc Anh và là cựu Giám đốc của hãng nhạc Warner, Tony Fernandes đã mua lại hãng AirAsia bị thua lỗ vào năm 2001 từ tập đoàn DRB-Hicom (DRBM.KL) của Malaysia với giá tượng trưng chưa đầy 1 đô la (0,33 USD) và ôm vào mình khoản nợ trị giá 13 triệu USD.
Ông phát triển doanh nghiệp từ hai chiếc máy bay Boeing, một tuyến bay và 250 nhân viên thành một hãng hàng không khu vực hoạt động với 375 máy bay, 65 điểm đến và gần 7.000 nhân viên.
Là một nhà tiếp thị năng nổ và rất nổi tiếng trên mạng xã hội Tweeter, Tony Fernandes đã gây dựng tên tuổi cho Air Asia trong nhiều năm thông qua hàng loạt các quảng cáo toàn màu đỏ và một chiến lược dài hạn để cạnh tranh với đối thủ là hãng hàng không Malaysian Airline System (MASM.KL), ngọn cờ đầu của ngành hàng không Malaysia. Ông đã quyết liệt hối thúc chính phủ Malaysia để giành quyền sử dụng các sân bay và mở thêm các tuyến bay mới cho Air Asia.
Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của Tony Fernandes hiện lên tới 470 triệu USD, nhưng ông vẫn làm việc ở văn phòng nhỏ của hãng hàng không giá rẻ Malaysia và thích mặc bộ đồ jeans, đội chiếc mũ lưỡi trai đỏ in logo Air Asia.
Một số cộng sự nói Tony Fernades là một người cố chấp, luôn theo đuổi đường lối kinh doanh riêng. Ông Jacson Lo - giám đốc điều hành hãng Tune Talk và từng làm việc cùng Fermandes trong suốt những ngày tháng ở Warnner Music - nói: “Ông ấy cư xử rất lịch thiệp, cho dù trong thâm tâm ông ấy không thích bạn". Tony Fernandes và nhà đầu tư khác hiện chiếm 70% cổ phần trong Tune Ventures, một hãng chiếm 35,7% cổ phần của Talk Tune.
Hai niềm đam mê lớn của Tony Fernades trong lĩnh vực thể thao lúc còn là sinh viên là đua xe Công thức 1 và CLB bóng đá West Ham United mà ông đã không mua được, khi câu lạc bộ bị đem ra bán. Ông vẫn muốn mua CLB bóng đá này, mặc dù nó đã bị rớt khỏi giải Ngoại hạng Anh.
Sau khi mua được đội đua Lotus để tham gia vào giải đua Công thức 1, ông nói với hãng tin Reuters: "Tôi đã xem phiên bản Malaysia của cuộc đua Công thức 3 từ lúc 5 tuổi. Khi còn là một cậu học sinh, tôi thường xuyên có mặt bên ngoài đường đua Brands Hatch. Trên thực tế, món đồ chơi đầu tiên mà tôi mua cũng là một chiếc xe đua Lotus JPS tại Brands Hatch."
Lotus Racing đã trở thành Team Lotus sau khi tách khỏi Group Lotus trực thuộc hãng sản xuất ô tô Proton hiện đang là nhà tài trợ của đội đua Reanult F1.
Tony Fernades và các đối tác, hiện đang sở hữu một hãng xe hơi, gần đây đã mua lại nhà sản xuất ô tô thể thao Caterham của Anh. Hãng này sở hữu 7 mẫu xe dựa trên Lotus 7 kinh điển được sản xuất lần đầu tiên cuối những năm 1950 và là một trong những chiếc xe đồ chơi mà ông Fernandes sưu tầm khi còn nhỏ.
Ngôi nhà lưu động hai tầng Formula One của ông có rất nhiều điểm tương đồng với chiếc Lotus cũ với màu trắng đen, trong khi nhà máy của đội đua F1 Lotus ở Hingham – một thành phố buôn bán nhỏ ở Norfolk (Anh quốc) - cũng nằm gần cơ sở cũ của Lotus ở Hethel.
Tony Fernandes có mặt ở hầu hết các cuộc đua F1 với bộ đồng phục màu xanh và đội chiếc mũ đỏ có biểu tượng AirAsia. Thế nhưng, ông đã không có mặt tại cuộc đua Monaco Grand Prix, một cuộc đua tiêu biểu của F1, để chơi với cậu con trai đang nghỉ giữa kỳ ở nhà riêng tại đảo Bali.
Khi được hỏi ông ưu tiên thứ gì, khi buộc phải chọn giữa hãng hàng không AirAsia và đội đua Công thức 1, Tony Fernandes lưỡng lự nói: “Đây quả là một câu hỏi khó. Tôi thích sự thử thách ở Công thức 1 bởi vì khi không có một ai cho chúng tôi cơ hội, thì chính nó lại mang đến một cơ hội tuyệt vời để khẳng định rằng Malaysia có thể cạnh tranh với các đối thủ tầm cỡ trên thế giới. Formula One thực sự là một môn thể thao toàn cầu và sau khi gây dựng Air Asia từ 2 chiếc máy bay cũ, đó thật sự quả là một quyết định rất khó khăn để chọn một trong hai niềm đam mê này. Hy vọng, tôi sẽ không phải làm điều đó”./.
Minh Yến (theo Reuters)