Ông là nhà tỷ phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ACER của Đài Loan nổi tiếng với dòng sản phẩm máy tính cá nhân, xách tay và là một trong những tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử cung cấp các giải pháp tiện ích cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều làm người ta khâm phục nhất, ngạc nhiên nhất và cũng đáng học tập nhất ở Stan Shih chính là cách sống tự lập và ý chí vươn lên của ông. Sinh ra trong một gia đình nghèo, trưởng thành trong hoàn cảnh sống không lấy gì làm sung túc, ông vừa phải đi học vừa phải đi bán trứng, hạt dưa, xổ số lấy tiền giúp mẹ nuôi gia đình. Khi còn đang đi học, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về toán và các môn kỹ thuật. Sau khi học xong, Stan Shih đã có ý thức rõ ràng về công việc của mình và quyết tâm sắt đá thực hiện bằng được ý định đó. Ông đã đi những bước vững chắc và nhanh chóng trên con đường thành đạt của mình. Thành công bắt đầu tìm đến
Ban đầu khi chưa có vốn, ông đi làm thuê cho các công ty điện tử địa phương. Đến năm 1976, hai vợ chồng ông góp vốn cùng ba người bạn học cũ sáng lập tổ hợp ACER với số vốn ban đầu là 25.000 USD.
Ngay sau khi công ty được thành lập, Stan được bình chọn danh hiệu là một trong 10 tài năng trẻ xuất chúng tại Đài Loan. Nhờ sự tháo vát, năng động và tài quản lý, Stan Shih đã trở thành người đứng đầu ACER và trở thành tỷ phú trong vòng 12 năm. Năm 1989, Stan nhận được giải ''Nhà quản trị doanh nghiệp của năm'' do tờ Asian Finance trao tặng cuối năm đó là danh hiệu ''25 nhà doanh nghiệp Châu Á tiêu biểu'' của tờ Fortune. Năm 1995, Stan Shih được Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế Giới và tờ Financial World trao giải ''Chủ tịch HĐQT của năm'' và sau đó là giải ''Nhà quản lý doanh nghiệp xuất sắc nhất trong 15 năm qua'' của tạp chí World Executive’s Digest. Nhiều năm tiếp theo Stan Shih và ACER liên tục được các tờ Business Week và Asia Week bình chọn danh hiệu ''Nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu của năm'' và ''Công ty máy tính có uy tín hàng đầu''. Khác với nhiều chuyên gia kỹ thuật nổi tiếng khác của Đài Loan được đào tạo ở phương Tây, ông chỉ được học ở Đài Loan. Stan Shih tốt nghiệp khoa Điện tử, sau đó là thạc sĩ tại trường ĐHTH Chiao Tung. Năm 1997, ông được trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông trao tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự ngành công nghệ thông tin. Ông chủ và nhân viên là một.
Không chỉ là chuyên gia máy tính giỏi chuyên môn, Stan Shih còn là nhà quản lý doanh nghiệp tài ba. Cách quản lý khôn khéo của ông khiến hàng ngàn công nhân của tổ hợp ACER không bao giờ nghĩ mình là người làm thuê, mà luôn luôn tự coi mình là chủ của tổ hợp ACER. Trên thực tế hoạt động, Stan Shih đã phân quyền về các công ty nhỏ. 70% cỗ phần của Tập đoàn ACER là của chính công nhân của tổ hợp. Hoạt động của ACER đều được báo cáo trong các cuộc họp thường kỳ của các cỗ đông. Stan xác định rất rõ mục tiêu của ACER là cạnh tranh, chỉ có cạnh tranh mới tồn tại và phát triển. Mục tiêu rõ ràng đó đã đoàn kết ACER thành một khối, cố gắng tiết kiệm về mọi mặt tới mức tối đa.
Nhân viên của Tập đoàn ACER không bao giờ gọi Stan Shih là ông chủ. Họ chỉ luôn gọi với cái tên thân mật ''Stan''. Chính nhờ không khí thân mật, lại có phần vốn trong đó nên mỗi công nhân của ACER đều làm việc hăng say, tìm các biện pháp hạ giá thành sản phẩm. Bản thân Stan Shih cũng rất gương mẫu trong công việc, hàng ngày ông làm việc tới 16 giờ và chưa bao giờ có một cuộc nghỉ dài ngày chính thức. Noi gương ông, mỗi khi có công việc cần hoàn thành gấp, các kỹ sư trong công ty đã không kể giờ giấc làm cho xong công việc và ngủ ngay trên bàn làm việc.
Nhờ tài quản lý và bước đi khôn khéo của Stan Shih, ACER đã phát triển nhanh chóng. Khi mới thành lập, ACER chỉ là một hãng nhỏ với 11 nhân viên, hầu như không được ai biết tới. Trong một thời gian hơn 10 năm, Stan Shih đã làm cho tập đoàn nổi tiếng ở Đài Loan và khắp thế giới. Ông đã xây dựng tổ hợp, ngoài cơ sở sản xuất chính còn có một nhà xuất bản cho ra đời các loại sách kỹ thuật cao cấp cùng một viện quản lý và kỹ thuật. ACER đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu triển khai ở thung lũng Silicon, bang California, Mỹ và nhiều chi nhánh ở Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Đức, hoạt động tại hơn 100 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Bốn yếu tố cơ bản tạo nên thành công của ACER
1. Nguồn nhân lực – yếu tố quyết định
Ngay từ khi mới thành lập công ty, Stan Shih đã cố gắng tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả dựa trên cơ sở sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tất cả nhân viên của ACER được khuyến khích tự do bày tỏ quan điểm của mình, thể hiện năng lực trình độ bản thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, song điều quan trọng hơn là phải biết rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm mắc phải. Công ty luôn coi những chi phí phát sinh do sự thiếu kinh nghiệm của nhân viên như một khoản ''học phí''. Từ những năm 1980, ACER là một trong số ít công ty cho phép nhân viên được sở hữu cỗ phần. Chính sách này có tác dụng thúc đẩy ý thức, tinh thần kinh doanh của mỗi thành viên giúp công ty ngày càng lớn mạnh. Cho đến nay, tại ACER từ ban lãnh đạo tới từng nhân viên đều tự hào phát huy truyền thống ''Liêm khiết chính trực – ham học, cầu tiến – hợp tác – tinh thần làm chủ''.
2. Khách hàng là số một
Tất cả các hoạt động kinh doanh của ACER đều dựa trên nguyên tắc ''ACER 1-2-3'', trong đó khách hàng được ưu tiên số một, tiếp theo đến nhân viên và sau cùng mới là ban lãnh đạo. Stan Shih giải thích: khi mọi nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn, lợi nhuận sẽ đến với nhân viên và các cỗ đông sáng lập. Chính vì vậy, ACER luôn duy trì nguyên tắc cạnh tranh về giá cả và chất lượng, tốc độ máy tính để đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là yêu cầu luôn cập nhật công nghệ mới cho từng loại sản phẩm. Stan Shih cho rằng những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phải được ứng dụng vào thực tế để cải thiện chất lượng cuộc sống, không đáp ứng được điều đó thì công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa.
3. Phát huy kiến thức và năng lực phục vụ cho công việc
Nhân viên của ACER luôn được khích lệ về tinh thần và vật chất để phát triển kỹ năng làm việc phục vụ cho sự tăng trưởng lâu dài bền vững của công ty. Ban lãnh đạo đặt ra danh hiệu ''thầy giáo'' để tôn vinh những nhân viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm, bí quyết công việc truyền thụ lại cho thế hệ trẻ, điều này giúp họ nhanh chóng bắt kịp yêu cầu công việc và có cơ sở nền tảng để phát huy kiến thức.
4. Làm việc thiết thực và có trách nhiệm
Công nghệ thông tin là lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh cao, mỗi nhân viên cần phải suy nghĩ thiết thực và có tính thần làm việc đầy trách nhiệm. ACER luôn xem hoạt động kinh doanh của mình như một cuộc chạy đua tiếp sức, trong đó mỗi cá nhân là một vận động viên cần nỗ lực hết sức mình để có thể giao tín gậy cho người tiếp theo đúng thời điểm để tất cả có thể đạt được thành tích cao nhất.
Theo TN