Sinh ra và lớn lên tại Đăk Hà (Kon Tum), làm quen với những hạt cà phê từ nhỏ nhờ xưởng sơ chế của ba mẹ nên chị Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1987) hiểu rõ những khó khăn mà những người nông dân Tây Nguyên nếm trải.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì nộp hồ sơ xin việc vào một ngân hàng theo đúng chuyên ngành, chị quyết định gắn bó với cây cà phê - điều mà ba mẹ đều không mong muốn từ trước đó.
"Mình muốn làm một điều gì đó cho quê hương cũng như đối với thứ hạt nâu trên cao nguyên đã nuôi lớn rất nhiều thế hệ trên mảnh đất này", chị cho biết.
Năm 2012, được sự đồng ý của ba mẹ chị chính thức tiếp quản cơ sở sản xuất của gia đình. Nhận thấy việc sơ chế và xuất khẩu cà phê nhân xô luôn bấp bênh do bị động về giá cả lẫn thị trường. Cùng đó, dù là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới nhưng gần như người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng các sản phẩm "cà phê không hoàn toàn là cà phê". Điều này, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin đối với sản phẩm.
"Khi đó mình nghĩ nếu hạt cà phê được rang xay, chế biến và tiêu thụ tại thị trường nội địa thì sản lượng cà phê nguyên liệu do người nông dân Tây Nguyên gieo trồng, thu hoạch, sơ chế sẽ có đầu ra đảm bảo và giá thành ổn định hơn. Thực sự mình mong muốn xây dựng một thương hiệu cà phê truy nguyên được nguồn gốc, tạo ra một sản phẩm cà phê Made in Vietnam đúng nghĩa", chị cho biết.
Lợi thế sẵn có vùng nguyên liệu, song phải mất gần 3 năm, khảo sát, tìm hiểu thị trường và sản xuất, sản phẩm cà phê chế biến đầu tiên của Tuyết mới bắt đầu được chào hàng nội địa. Tuy nhiên, chị gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng.
"Bên cạnh những lời khen không ít khách hàng cho rằng cà phê nhạt và loãng vì họ đã quen với loại cà phê đen, đậm, đặc sánh hiện có", chị bộc bạch.
Việc truyền thông để thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về cà phê nguyên chất, rang mộc cũng được chị tính đến, song cũng không dễ dàng bởi hạn chế nhân lực có kiến thức về cà phê. Ngoài ra, do nguồn vốn hạn hẹp nên định mức đầu tư cho mảng cà phê thành phẩm của chị cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Thu nhận mọi lời khen chê từ khách hàng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm được đặt chị đặt lên hàng đầu. Theo đó, đầu tiên chị tập trung nâng cao ý thức sản xuất của người nông dân. Việc chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch sai quy cách sẽ khiến hạt cà phê chất lượng thấp. Vì vậy, chị đã hỗ trợ các hộ nông dân thành lập các tổ hợp tác sản xuất theo quy trình, quy chuẩn của các chứng nhận quốc tế.
"Với các tổ hợp tác sẽ giúp cho nông dân có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập kiến thức mới để sản xuất tốt hơn, đồng thời, giúp công ty có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và đảm bảo việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng đầu vào cho sản phẩm", chị cho biết.
Sau nhiều nỗ lực chinh phục người tiêu dùng trong nước, hiện công ty của chị đã có thêm 4 dòng sản phẩm cà phê gồm: phin túi lọc,dạng bột, nguyên hạt và chồn. Dù vậy, để có đầu ra đa dạng cho sản phẩm sơ chế và có vốn quay vòng cho thương hiệu riêng, Tuyết vẫn cố gắng duy trì mảng xuất khẩu cà phê xô.
Chia sẻ về sản phẩm mới của mình, nữ doanh nhân trẻ cho biết không quá kỳ vọng sản phẩm sẽ nổi tiếng như số ít thương hiệu trên thị trường hiện nay. "Mục tiêu của mình chỉ đơn giản là những người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm cà phê đích thực mà không phải băn khoăn nghi ngờ đây là cà phê hay chỉ là thứ uống gì ra na ná cà phê", chị nói.
Song song với việc phát triển thị trường cà phê bột nguyên chất, chị Tuyết và cộng sự đang tiếp tục cải tiến, cập nhật các xu hướng mới đến người thưởng thức cà phê Việt Nam. Chị cho biết các dòng sản phẩm mới sẽ được nghiên cứu và ra mắt thị trường trong thời gian tới.
"Trong 5 năm tới, cách uống cà phê của người Việt sẽ thay đổi theo hướng tích cực và lượng tiêu thụ cà phê sẽ ngày càng tăng. Hiện nay, có không ít người có kiến thức về cà phê, đang hướng đến nhu cầu thưởng thức cà phê ngon, an toàn, tiện lợi nhưng không kém phần tinh tế", chị chia sẻ.
Để sản phẩm của mình đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng phía Bắc, mới đây chi nhánh của công ty đã được khai trương tại Hà Nội. Theo kế hoạch, các đại lý cũng sẽ được mở tại các tỉnh thành khác như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Thành Tâm