Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp của anh Phan Trần Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty phần mềm, chia sẻ với độc giả.
Năm 1996, tôi tốt nghiệp cử nhân phần mềm và bắt đầu đi làm lập trình viên. Song song đó, tôi đi dạy các lớp sơ cấp, trung cấp và cao đẳng ngoài giờ để có thêm thu nhập.
Năm 2000, tôi lấy bằng đại học thứ hai với ngành quản lý công nghiệp và bắt đầu mập mờ hiểu về kinh doanh, nhưng công việc gián đoạn do nhập ngũ. Khi ra quân, tôi xin làm kinh doanh dự án cho một công ty Nhật để học việc kinh doanh và giao dịch quốc tế.
Một năm sau, người bạn cùng trường mời tôi về góp vốn (170 triệu đồng) để xây dựng công ty phần mềm trên dưới 10 lập trình viên với vai trò trưởng phòng kinh doanh. Do hoạt động khó khăn nên sau một năm công ty giải thể khiến bạn tôi mang khoản nợ vay khá lớn cùng những tổn thất về tinh thần. Còn tôi, toàn bộ số tiền góp 170 triệu đồng (của tôi 90 triệu và mượn gia đình 80 triệu) cũng tiêu tan.
Tháng 10/2003, tôi tiếp tục mượn tiền để cùng 3 người bạn góp 100 triệu (mỗi người 25 triệu) mở công ty phần mềm khác do chính tôi điều hành. Công ty mới phát triển trên định hướng của công ty cũ; đồng thời toàn bộ công việc cùng một số nhân sự cũ được tiếp nhận nên mọi hoạt động vận hành rất nhịp nhàng. Nhờ vậy, công ty vừa đi vào hoạt động đã có doanh số ngay. Tuy nhiên, hai năm đầu do ít nhân sự nên doanh thu khá thấp, tầm 500 triệu mỗi năm.
Năm 2005-2006, tôi tập trung đẩy mạnh doanh số, giữ trọng tâm sản phẩm phần mềm quản lý làm chủ đạo, tuyển nhân viên kinh doanh và các chiến lược tiếp cận khách hàng giúp doanh số tăng trưởng trên 200%, đạt 1,2 tỷ đồng. Nhưng do quản lý dựa trên tình cảm, chi phí phát sinh cao...khiến công ty bị lỗ trên 100 triệu đồng.
Tôi quyết định cải tổ bằng cách thuê văn phòng mới, logo mới, trang web mới để thu hút khách hàng và không ngờ đây cũng là giai đọan tồi tệ nhất của công ty khi đối mặt với tình trạng lỗ cả trăm triệu mỗi năm. Chúng tôi không đủ tiền thanh toán chi phí mặt bằng, điện nước và trả lương nhân viên khiến nhân sự lần lượt xin nghỉ và phải tuyển dụng mới liên tục.
Để cố gắng duy trì hoạt động, tôi chạy vạy vay mượn từ gia đình, bạn bè... khiến sau này họ gặp đều lảng tránh. Ngay cả chiếc xe máy là tài sản đi lại duy nhất của tôi cũng luôn nằm trong tiệm cầm đồ với lãi vay cao ngất. Hình ảnh vị giám đốc mặc vest, đi xe đạp ngày càng trở thành quen thuộc đối với nhân viên.
Cuối năm 2006, công ty gần như cạn kiệt về tài chính, nhân sự giỏi cũng nghỉ hết nên không còn nguồn lực để tiếp tục triển khai định hướng chiến luợc. Lúc đó, công ty gần như phá sản và tôi buộc phải chuyển về nhờ cậy cha mẹ hỗ trợ giữ lại vài nhân sự triển khai dự án outsource - gia công phần mềm cho công ty may của Mỹ và vài dự án mua bán lẻ. Nhưng sau một năm cố gắng cầm cự, tôi như kiệt sức vì quan hệ gia đình bất hoà, công ty thì lỗ thêm 100 triệu đồng.
Năm 2008, nhờ sự động viên của cậu em họ, tôi qua Thẩm Quyến (Trung Quốc) - nơi được coi là công xưởng sản xuất hàng điện tử của toàn thế giới để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi bắt tay vào cải tổ toàn bộ công ty và may mắn là hoạt động đã khởi sắc trở lại. Kết thúc năm 2008, công ty có được 100 triệu đồng tiền lời.
Khoản lợi nhuận này tuy không nhiều nhưng rất ý nghĩa vì có thể giúp mọi người tin tưởng vào tôi cũng như hoạt động của công ty. Một số bạn bè bắt đầu góp thêm vốn và tham gia giúp tôi vực dậy công ty. Từ chỗ 4 người, nhân sự công ty tăng lên 20 người.
Năm 2009, chúng tôi quyết định vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng, thuê văn phòng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở thêm các chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng, nhân sự lên gần cả trăm người. Chuyển nhân viên lâu năm thành cổ đông chiến lược và cho giữ các vai trò quan trọng như giám đốc kỹ thuật, trưởng văn phòng đại diện, trưởng phòng… Cuối năm tài chính, công ty tăng doanh thu 500%, đạt gần 11 tỷ đồng, lãi gần 10% trên doanh thu.
Nhưng qua năm 2010, thị trường bắt đầu cạnh tranh khốc liệt, những sản phẩm bán chạy trước đó đã bị đối thủ đánh bật khiến doanh số bán của công ty giảm mạnh vào giữa năm. Tôi bắt buộc tuyển lại vị trí giám đốc kinh doanh từ bên ngoài vào để đẩy mạnh mảng còn lại ít cạnh tranh và giữ được giá trị cốt lõi.
Doanh số nhờ vậy cũng tăng trưởng 20% trong các năm 2010, 2011 và 2012. Thế nhưng chi phí cao nên mỗi năm công ty vẫn lỗ nửa tỷ đồng và số nợ vay ngân hàng ngày càng gia tăng đến báo động, lên tới 3 tỷ đồng. Lúc đó, hầu như tài sản đất, nhà, xe của cổ đông đã nằm trong tay ngân hàng.
Tháng 10/2012, thật may mắn khi chúng tôi gặp một tiến sĩ kinh tế, chị vừa gợi ý một số ý tưởng đồng thời giúp tôi gặp thêm một nhà cố vấn chiến lược. Cuộc nói chuyện chỉ diễn ra chưa tới một giờ đồng hồ nhưng nó là mảnh ghép cuối cùng giúp công ty thoát khỏi bế tắc phá sản và hoạt động hiệu quả.
Chúng tôi nghiêm túc xem xét lại và phát hiện ra công ty đang sử dụng nhân sự chưa phù hợp, các chi phí đầu tư không tập trung. Từ đây, công ty lập kế hoạch chú trọng vào hai điểm trên và xây dựng các chỉ tiêu hoàn thành hàng tháng cho từng nhân viên, gắn với các chế độ thưởng, phạt phân minh. Sau đó áp dụng kỷ luật sử dụng ngân sách, nếu không có kế hoạch thì sẽ không được đầu tư. Chỉ 3 tháng thực hiện, công ty khởi sắc và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng.
Từ năm 2013 đến nay, công ty liên tục sinh lãi nên trả hết nợ ngân hàng, chia lợi nhuận cho cổ đông hàng quý. Riêng năm 2014, doanh thu của công ty đạt 21 tỷ đồng, dự kiến năm nay đạt mốc trên 46 tỷ, lợi nhuận 4,5 tỷ đồng.
Còn tôi, khi bộ máy của công ty đã hoạt động ổn định, vào năm 2014 đã quyết định giao lại việc điều hành cho người kế cận để lên đảm trách vị trí Chủ tịch và làm cố vấn chiến lược. Đồng thời, tôi cũng mở thêm ba công ty khác về công nghệ.
Tôi tham gia câu lạc bộ hỗ trợ doanh nghiệp tháng 11/2013 và có điều kiện áp dụng công thức làm giàu và thay đổi tính cách cho nhóm công nghệ do mình phụ trách. Sau một thời gian họat động, nhóm này tương đối hiệu quả, giúp các thành viên của mình vượt qua khó khăn nhanh chóng và có lãi. Nhưng không phải ai cũng đạt hiệu quả tối đa vì việc thay đổi tính cách là một phạm trù mang giá trị tâm lý cần phải có người cấp độ cao hơn rèn rũa. Thêm vào đó còn tùy từng người, từng quy mô doanh nghiệp và cần thời gian để hấp thụ.
Tôi viết những dòng này hy vọng chia sẻ và giúp những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khúc mắc, ở nhiều cấp độ từ khởi nghiệp đến việc phát triển mạnh mẽ có được những bài học thực tế để tập trung giải quyết tháo gỡ thật hiệu quả và dễ dàng hơn.
Bởi ngồi nghĩ lại, tôi đâu đó cũng giống như các bạn, từng tốn rất nhiều công sức và chi phí tham gia các lớp đào tạo chính quy, quản lý ngắn hạn, làm giàu vật chất, quản lý con người, quản lý kế toán và tài chính… không chỉ học còn đọc, còn đi học thầy, học bạn. Học về khoa học chưa đủ, học qua tâm lý, nhân tướng, đạo khổng, tứ trụ, nhưng phải mất trên 10 năm mới vững được đôi chân, mới tạm khẳng định được chính mình.
Tuy nhiên, nếu nắm được công thức làm giàu và người lãnh đạo thay đổi tính cách thì có lẽ tôi đã không phải mất nhiều thời gian và sức lực như vậy
Phan Trần Hiếu