Tôi đã gặp họ trong một chiều mưa giăng giăng giữa đô thị nghèo Tam Kỳ miền Trung để nghe câu chuyện bước qua bóng đêm chết chóc trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Bộ Công an và TW đoàn tổ chức.
Ngồi trước mặt tôi là chàng thanh niên Đoàn Minh Phước, quê xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Cũng như bao thanh niên dặt dẹo từ bãi đào vàng Phước Sơn trở về, Phước đã là con nghiện nặng. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình Phước đã bước qua bóng đêm ma tuý khi một mình lên rừng cai nghiện...
Chuyện của kẻ từ "địa ngục" trở về
Cách đây 7 năm, tại xã Bình Trị, huyện Thăng Bình có những thanh niên dặt dẹo từ địa ngục hầm vàng trở về mang căn “bệnh lạ” chết dần chết mòn.
Mãi đến những năm sau người dân mới biết đó là những phu vàng bị dính ma tuý.
Trong đoàn người dặt dẹo ấy có chàng thanh niên trẻ Đoàn Minh Phước. “Năm em 20 tuổi đã là chủ hầm vàng ăn nên làm ra, tiền nhiều vô kể. Có tiền, một phần em đầu tư vào trang trại ở dưới chân núi Chóp Chài, một phần ăn chơi...” - Phước nhớ lại.
Rồi cơn lốc vàng những năm 2000 đã cuốn Phước cùng đám trai làng tìm về miền núi Phước Sơn để tìm vận may.
“Lên Phước Sơn em cũng là chủ một hầm vàng. Ngày đó vàng làm ra nhiều vô kể, giữa chốn núi rừng chỉ bia rượu, gái và ma tuý là những thứ không bao giờ thiếu, em nghiện lúc nào không hay...”.
Kể từ đó vàng đào ra bao nhiêu đều nướng hết vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng giữa “đô thị” vàng. Chỉ một thời gian ngắn Phước cũng như bao thanh niên cùng đi với mình trở thành kẻ dặt dẹo.
“Khi không còn làm ông chủ hầm vàng, em đi làm thuê cho các chủ bãi để nhận ma tuý. Đến khi sức tàn không thể xuống hầm sâu được nữa, em tìm đường trở về quê. Đó là vào năm 2004...” - Phước nhớ lại những tháng ngày kinh hoàng.
Trở về quê trong thân hình tàn tạ vì ma tuý, nhìn bạn bè cùng đi làm vàng với mình lần lượt ra đi vì căn “bệnh lạ”, Phước chợt rùng mình và tự hỏi: Bao giờ đến lượt mình?
“Mỗi lần tìm đến bạn nghiện từ hầm vàng thấy từng đứa lần lượt ra đi, em quyết định xích chân tại nhà cai nghiện. Nhưng vẫn không thành...”.
|
Đàn trâu bò của Phước sau cai nghiện |
Tổng cộng đã có hơn 4 lần Phước tự cai nghiện tại nhà suốt hơn 2 năm. Toàn bộ đàn bò hơn 20 con nơi trang trại dưới chân núi Chóp Chài cùng lần lượt bị ma tuý nuốt chửng chỉ trong vòng hơn 1 năm.
Đến năm 2005, con số thống kê tại các xã vùng Tây huyện Thăng Bình mà chủ yếu là Bình Trị đã có 50 thanh niên lần lượt ra đi vì “căn bệnh lạ”.
Không chấp nhận cái chết vì ma tuý, lần thứ 5 Phước quyết định nói chuyện với ba mẹ về ý định của mình trở lại trang trại dưới chân núi Chóp Chài để tự cai nghiện.
Lên rừng cai nghiện
Lần cuối cùng trước khi quyết định lên rừng cai nghiện, Phước chỉ nói với cha mẹ là cho dù con có chết ba mẹ cũng đừng lên, nếu thương thì hãy chuẩn bị gạo muối là đủ... Phước một mình trở lại rừng, bắt đầu làm lại cuộc đời.
“Trở lại trang trại chỉ mới 4 năm mà hoang tàn, đàn bò chỉ còn lại hai con, em đã đứng khóc một mình. Bao mồ hôi nước mắt đã theo ma tuý. Phải làm lại từ đầu, mà việc đầu tiên là cai nghiện...” - Phước kể.
Phước bắt đầu dọn dẹp ngôi lều giữa trang trại làm nơi tá túc, đốt lửa nhóm bếp, chuẩn bị lương thực, nước uống để sẵn bên bếp và tự mình lấy dây xích mang theo khoá chân vào cây cột giữa nhà.
|
Tự mình lên rừng cai nghiện thành công nhờ lao động |
Giữa rừng hoang, một mình Phước bắt đầu cuộc chiến với ma tuý. “Những ngày đầu vật vã vì đói thuốc cứ tưởng em chết. Những lúc tỉnh, em mò dậy tự nấu nước, nấu cháo để cầm hơi. Khi đói thuốc vật vã em nằm cố nhắm mắt để chịu đựng...” - Phước hồi tưởng lại.
Hơn 1 tháng sau, những cơn vật vã do đói thuốc thưa dần và cứ thế một mình Phước chiến đấu với ma tuý giữa rừng sâu. Biết con quyết tâm cai nghiện, ba mẹ Phước hàng tuần len lén mang gạo muối như lời Phước dặn lên trang trại để vào bếp rồi gạt nước mắt quay về.
Hơn 6 tháng trời, Phước đã cai nghiện thành công bước đầu nhờ lòng quyết tâm. Nhưng nghiệt ngã là đám bạn nghiện khi hay tin Phước lên rừng cai nghiện đã lần mò tìm đến dụ dỗ.
“Khi em cai nghiện thành công, đám bạn nghiện tìm đến dụ dỗ. Những lần như vậy, em chạy thẳng vào trốn trong rừng, khi đám bạn nghiện về, em mới dám quay lại trang trại...” - Phước kể.
Phước tâm sự: “Rất may, đi xét nghiệm em lại chưa dính HIV, vậy là trời thương em rồi...”.
Ngay trong gia đình Phước, người anh thứ 2 là Đoàn Minh Đức cũng bị bắt về tội buôn bán, tàng trữ chất ma túy, đã chết trong tù vì nhiễm HIV. Chính điều đó làm động lực cho Phước phải cai nghiện bằng được, không thể chết như anh ruột của mình.
Một mình Phước đã phủ xanh hơn 10ha đất rừng bằng các loại cây keo lá tràm, gió trầm và hàng trăm cây trái khác như chanh, cam, bưởi chỉ sau hơn 2 năm lên rừng cai nghiện.
Khi biết Phước cai nghiện thành công nhờ ý chí và lòng quyết tâm hướng thiện, Đoàn thanh niên và UBND xã đề xuất lên huyện giúp cho Phước vay vốn để mua trâu bò về nuôi...
Năm 2007, Phước được Tỉnh đoàn Quảng Nam tặng bằng khen là một trong những thanh niên điển hình tiên tiến trong phong trào lao động sản xuất. Bắt đầu từ đó, Phước xuống núi và trở thành tuyên truyền viên trong đội xung kích phòng chống ma tuý của xã, huyện, rồi tỉnh.
|
Đoàn Minh Phước trò chuyện với cán bộ xã Bình Trị về dự án cai nghiện tại cộng đồng |
Anh Võ Hồng Sơn - Trưởng công an xã Bình Trị cho biết, trong mấy năm qua, Phước là một thanh niên điển hình, đi đầu trong công tác tuyên truyền PCMT và TNXH ở địa phương và của huyện.
Ngồi nhẩm tính, Phước bảo: Bây giờ em đã trồng được 20ha rừng, trong đó có gần 1.000 cây gió trầm đã đến kỳ cấy trầm, các lái trầm đã trả em 2 triệu đồng mỗi cây, ước tính khoảng gần 2 tỷ đồng. Đàn trâu bò hơn 20 con, trị giá khoảng gần 200 triệu đồng...”.
Vậy là bây giờ, con nghiện dặt dẹo năm nào đã trở thành ông chủ của một trang trại tiền tỷ nơi miền sơn cước này.
Hết việc trang trại, Phước xuống núi về Trung tâm Y tế dự phòng huyện nhận tài liệu, nhận thuốc cắt cơn nghiện để tìm đến những tụ điểm ma túy, tìm đến những người bạn nghiện một thời để vận động họ quay về nẻo thiện...
|
Đại tá Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Công an Quảng Nam chúc mừng Phước tại chương trình 'Thắp sáng ước mơ hoàn lương'. |
Bằng kinh nghiệm của mình, Phước đã giúp được hàng chục trường hợp cai nghiện thành công.
Năm 2008, Phước được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen; cuối năm 2009 đoạt giải nhì toàn quốc tại cuộc thi tuyên truyền PCMT và TNXH.
Tháng 3-2010, Phước cưới vợ và mời tôi đến dự như để khoe về chiến tích của mình từ lời hứa ngày đầu tiên lên rừng cai nghiện: “Em sẽ chứng minh điều em làm là đúng”.
Phước hoàn toàn đúng! Bây giờ, khi tôi quay lại vùng đất này trước khi gặp Phước trong buổi giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương...”, Phước đã có một gia đình hạnh phúc với đứa con trai đầu lòng mới tròn 4 tháng tuổi.
Vũ Trung