Trang trại cá sấu của ông Hùng bây giờ lên đến hơn 50 nghìn con, gấp hàng chục lần so với quy mô trang trại của "vua cá sấu đất Bắc". Đây là nơi tập trung cá sấu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chỉ tính riêng tiền mua thức ăn cho cá sấu trong một tháng đã ngốn tới 1,2 tỉ đồng.
Bán cả cơ nghiệp mua... cá sấu
Cơ quan quản lý động vật hoang dã đã cấp giấy chứng nhận Certificate nuôi và sinh sản cá sấu nước ngọt chất lượng cho ông Hồ Văn Bé Hùng. Hiện, ông còn đang cho lai tạo cá sấu nước ngọt với loại cá sấu Hoa Cà nước mặn để nâng cao chất lượng đàn cá sấu nuôi.
|
Gặp Hồ Văn Bé Hùng lần đầu, có lẽ ít ai có thể ngờ được rằng người đàn ông nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm đặc trưng của một anh nông dân miệt vườn miền Tây Nam Bộ lại chính là "ông vua cá sấu" xứ Việt.
Cái "danh phong không ngai" này bắt nguồn từ chính cơ nghiệp khổng lồ lên tới hơn 50 nghìn con cá sấu của ông ở xứ sở Đồng Tháp Mười. Có lẽ đã quen với cái nắng gió của miền Tây Nam Bộ nên khi ra đến Hà Nội, cả người ông như co ro trước cái rét đầu mùa. Ông bảo mình "cũng như cá sấu" vậy, không chịu nổi với cái rét xứ Bắc nên cả đời cứ phải ở mãi miền Tây nắng gió. Bây giờ, đến Đồng Tháp chỉ cần hỏi trại cá sấu của Hồ Văn Bé Hùng là ai cũng có thể chỉ đường vanh vách. Đàn cá sấu khổng lồ của ông được đặt tại ấp 1 và ấp 4, Cầu Kinh Xáng, Hội đồng Tường, ngay lối vào Khu di tích Xẻo Quýt thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Được gắn cho biệt danh "vua cá sấu" Việt Nam nhưng ít ai ngờ, Hồ Văn Bé Hùng trước đây là một anh nông dân "miệt vườn" chính hiệu, từng làm nghề mua bán vật tư nông nghiệp. Sinh ra giữa xứ sở miệt vườn, quanh năm cây trái trĩu quả, lại cộng thêm phong trào nuôi cá tra xuất khẩu khi ấy rộ khắp vùng, nhưng Hồ Văn Bé Hùng không "cam tâm" theo lối cũ. Ấy là vào năm 1998, ngoài 30 tuổi nhưng anh vẫn quyết đi khắp nơi học nghề làm ăn mới. Ông đi đến các nước có nuôi nhiều cá sấu như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và cả Australia, Nam Phi. Càng đi nhiều, cái chí quyết xây dựng cho mình một trang trại cá sấu giữa xứ miệt vườn càng lớn. Ngày ấy, chỉ cần theo phong trào của người dân nơi ấy nuôi cá tra xuất khẩu thì có lẽ ông cũng đã trở thành một ông chủ cá giàu có. Rồi có người lại đến tận nơi "gạ" mua lại số đất vườn mênh mông do bố ông để lại với giá hời, mà ông vẫn từ chối.
Sau chuyến "du ngoạn" đến các vùng đất cá sấu, ông tậu 60 con cá sấu đầu tiên để nuôi thử. "Rồi thấy "ngon ăn" quá nên tôi bán tất cả 3 căn nhà ở phố chợ Mỹ Hiệp, năm công đất mặt tiền đường quốc lộ 30 từ Cao Lãnh về TP Hồ Chí Minh của bố mẹ để lại, gom góp tất cả tài sản vốn liếng và tất cả tiền mua bán vật tư trước đây để dồn tiền mua cá sấu. Mới đầu bán cả cơ nghiệp đi để ôm về đàn cá sấu chưa biết thắng thua thế nào, bà xã tôi cũng ớn lắm. Nhưng sau vì chiều chồng nên bà ấy đành nghe theo", vua cá sấu Hồ Văn Bé Hùng vui vẻ kể. Ngày ấy, khi những đàn cá sấu xù xì của ông Hùng về đến Đồng Tháp, ai cũng lắc đầu lè lưỡi bảo tay này "hâm" rồi, cá tra không nuôi lại đi rước lại lũ cá gớm ghiếc ăn thịt người về nhà!?
|
|
Chỉ tính riêng tiền mua cá vụn, đầu cá, tôm tép cho đàn cá sấu ăn cũng đã "ngốn" chừng 1,2 tỉ đồng một tháng.
|
Quản lý cá sấu trên máy tính
Những tưởng cái ý rước cá sấu từ Campuchia về nuôi hẳn phải là có người nhìn xa trông rộng nào đó "mách nước" chỉ bảo cho anh nông dân Hồ Văn Bé Hùng. Nhưng hóa ra đó là ý tưởng của chính anh khi còn là anh miệt vườn xứ Đồng Tháp Mười.
Từ những ngày đi thám hiểm và mang con cá sấu nước ngọt Campuchia về tỉnh Ðồng Tháp năm 1998 với 60 con cá sấu đầu tiên, đến nay đàn cá sấu đã lên tới hơn 50 nghìn con. Hai trại cá sấu của ông có tổng diện tích lên tới hơn gần 3 ha với tổng vốn đầu tư hơn hai triệu USD. Hai chuồng trại nuôi cá sấu của ông Bé Hùng được thiết kế rất quy mô với hai lớp hàng rào chắc chắn. Mỗi trang trại đều được xây tường xi măng cao khoảng 1m bao quanh phía trên tường là lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn. Bên trong chuồng, được thiết kế mặt bằng xi măng chính giữa và hai bên là ao nước để cá sấu lên bờ, xuống nước dễ dàng. Ông còn dành riêng một khoảng sân trống trong trang trại để xây dựng các dãy hồ nhỏ liền nhau bằng bê tông, mỗi hồ có diện tích 1,5m2, chiều cao 1,2m. Trong hồ có xây một bồn nước khoảng 0,7m2 để nuôi riêng một con cá sấu trưởng thành. Hệ thống xử lý nước thải cũng được đầu tư gần 400 triệu đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông vua cá sấu Việt Nam kể, sau chuyến đi nước ngoài về, việc đầu tiên ông làm là thuê thợ đến xây dựng chuồng trại cẩn thận. Những con cá sấu đầu tiên được đưa về cũng chính do ông trực tiếp chăm sóc ngày đêm. Tự ông đi lựa mua cá tép cho lũ cá sấu nhỏ, đến khi chúng lớn hơn một chút thì ông lại đi đặt mua cá biển, cá tạp, đầu cá cho chúng ăn hàng ngày. Ông còn lên lịch thực đơn cho cá ăn từng ngày, từng tuần, mỗi tháng ăn theo sự tăng trưởng, không để quá đói nhưng cũng không cho ăn quá no bởi chúng dễ đánh nhau, da sẽ bị rách khó bán và mất giá hơn nhiều so với bộ da còn lành lặn.
|
Mỗi trang trại đều được xây tường xi măng cao khoảng 1m bao quanh phía trên tường là lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn.
|
"Ngốn" 1,2 tỉ thức ăn một tháng
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh được thiên nhiên ưu ái, đó chính là vùng đất có môi trường lý tưởng để nuôi cá sấu. Không như miền Bắc có khí hậu lạnh nên việc nuôi cá sấu khó khăn hơn nhiều, bởi cá sấu không chịu được lạnh, chỉ 20oC là chúng đã mất thăng bằng trong cơ thể. Trong khi đó ở xứ Đồng Tháp Mười này chừng bảy mươi năm về trước vẫn còn cá sấu hoang dã sinh sống.
Nắm bắt được những thời cơ thuận lợi "giời ban" ấy nên bây giờ đàn cá sấu của ông đã trở nên khổng lồ với quy mô lớn nhất nước. Chỉ tính riêng tiền mua cá vụn, đầu cá, tôm tép cho đàn cá sấu ăn cũng đã "ngốn" chừng 1,2 tỉ đồng một tháng.
Giá bán cá sấu khá cao nên người ta thường chia thành ba loại gồm cá nhỏ, cá lứa và cá lớn để định giá bán. Cá nhỏ cỡ 40, 50cm có giá 650 nghìn đồng một con; cá lứa nuôi thời gian một năm, dài cỡ 1m giá bán hơn một triệu đồng. Còn cá thịt hơn 10kg trở lên người ta lại tính giá bán theo trọng lượng, 1kg có giá khoảng 150 nghìn đồng. Để có một con nặng khoảng 15, 20kg thì phải nuôi trong hai năm. Từ trang trại cá sấu khổng lồ này, cá sấu bắt đầu lan tỏa ra khắp các tỉnh lân cận và lan cả ra miền Bắc. Ngay cả trang trại cá sấu của ông vua cá sấu đất Bắc Cao Văn Tuấn bây giờ cũng có khởi nguồn từ đó. Tính trung bình mỗi năm, trang trại của ông Hùng cung cấp hơn 15.000 con cá sấu giống cho các hộ nuôi, 20 nghìn cá sấu thịt cho thị trường nước ngoài và xuất khẩu hàng chục tấn da cá sấu thương phẩm sang các nước Ý, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore thu hàng chục đến trăm tỷ đồng.
Vua cá sấu Việt Nam bây giờ còn là đại lý cung cấp da cá sấu thô cho một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Loui Vouiton... Mỗi tấm da từ 35 cm đến 59cm được hãng thời trang này trả 300 USD. "Mỗi tấm da trung bình may được hai cái túi và bán tới vài nghìn USD một cái. Nhưng họ mua rất khó, da phải đẹp, phải dưỡng da cho họ. Nên mỗi chuồng tôi phải nuôi riêng một con từ bé, sau 3 đến 4 năm thì được. Phải nuôi riêng thì da mới lành, chứ nhốt chung thì chúng đánh nhau hỏng hết da"- Hồ Văn Bé Hùng chia sẻ. Đã có quy mô lớn bậc nhất với hơn 2 nghìn chuồng nuôi hơn 50 nghìn con cá sấu nhưng hiện ông vua cá sấu Bé Hùng còn tiếp tục xây thêm 5 nghìn chuồng trên diện tích 220 nghìn mét vuông để nhân thêm 50 nghìn con cá sấu nữa. Và chỉ sang năm thôi, nơi đây sẽ trở thành trang trại cá sấu khổng lồ lên tới 100 nghìn con cá sấu, có lẽ sẽ là trang trại cá sấu khổng lồ nhất trong khu vực.
Bây giờ, đàn cá sấu của ông đã lên đến hơn 50 ngàn con, lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Để tiện quản lý sinh sản, mỗi con đều có lý lịch riêng trên máy vi tính và ở đuôi mỗi con đều có một phiếu theo dõi. Ông Hùng bảo sở dĩ có sự cẩn thận đến tuyệt đối về sinh sản như vậy là bởi điều tối kỵ nhất khi nuôi loài cá sấu hoang dã này, là không bao giờ sơ ý để chúng giao phối đồng huyết. Nếu xảy ra, cá sẽ chết hàng loạt.
|
Lã Xưa